Khởi sự điều tra vụ việc cạnh tranh từ thông tin của các cơ quan, tổ chức và tự phát hiện
Chúng ta có thể xác định, để chủ động phát hiện vụ việc cạnh tranh, trước hết các bộ phận của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh phải tích cực thu thập, nghiên cứu, phân tích các thông tin để phát hiện vụ việc cạnh tranh.
Nghiên cứu, phân tích, thu thập thông tin phát hiện vụ việc cạnh tranh
Mỗi bộ phận trong Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có chức năng, nhiệm vụ riêng và đều có khả năng phát hiện vụ việc cạnh tranh. Sau đây là một số gợi ý.
Đối với Phòng điều tra, để chủ động phát hiện vụ việc cạnh tranh, trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra vụ việc cạnh tranh, các điều tra viên có thể:
Qua kiểm tra, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ để mở rộng phạm vi xem xét, phát hiện những vụ việc cạnh tranh khác;
Khai thác mở rộng qua quá trình điều tra, làm việc với các đương sự, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan;
Qua nghiên cứu thông tin trên các phương tiện truyền thông…
Đối với các Ban khác trong Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, trong quá trình thụ lý xử lý các trường hợp xin miễn trừ, chống bán phá giá, trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần:
Tiến hành các hoạt động như đối với các Phòng điều tra như trên để phát hiện những vụ việc cạnh tranh mới;
Lập các báo cáo phân tích thông tin chuyển giao báo cáo cáo đó cùng hồ sơ cho các Phòng điều tra phù hợp theo đúng tính chất vụ việc;
Các Phòng điều tra khi tiếp nhận cần kiểm tra lại kết quả phân tích và hồ sơ đi kèm để làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Bên cạnh những hoạt động chính thức theo chức năng, các điều tra viên vụ việc cạnh tranh và công chức khác của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể thông qua các hoạt động cá nhân, các mối quan hệ công tác, quan hệ trong cuộc sống nhận được các thông tin về vụ việc cạnh tranh. Những thông tin này, cán bộ và điều tra viên Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh nhận được ngoài luồng chính thức. Trong trường hợp này, vấn đề quan trọng là phải chuyển hoá các nguồn tin không chính thức thành các nguồn tịn chính thức (các hình thức pháp luật cho phép sử dụng) để thực hiện điều tra
Chính thức hoá nguồn thông tin bằng việc cố gắng vận động, thuyết phục người cung cấp tin, người có lợi ích bị xâm phạm làm hồ sơ khiếu nại gửi đơn Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh;
Nghiên cứu hồ sơ các vụ việc cạnh tranh đã hoặc đang được tiến hành, có nội dung liên quan, lập báo cáo phân tích để mở rộng nội dung vụ việc;
– Sử dụng các nguồn thông tin khác để chính thức hoá.
Một vấn đề cần lưu ý, dù trong trường hợp nào, sau khi phát hiện các dấu hiệu của vụ việc cạnh tranh, người phát hiện cần kịp thời báo cáo lãnh đạo các Phòng điều tra để có phương án kiểm tra, xử lý.
Phân công điều tra viên xử lý thông tin
Việc phân công điều tra viên tạm thời xử lý vụ việc được thực hiện tương tự như trong trường hợp nhận hồ sơ khiếu nại nhưng cần chú ý tốt nhất nên phân công cho điều tra viên đã trực tiếp phát hiện, báo cáo về vụ việc thì sẽ thuận lợi cho điều tra viên trong quá trình xử lý.
Xác minh thông tin ban đầu
Trong trường hợp này, nghĩa vụ chứng minh thuộc về Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, do đó các điều tra viên phải tự thu thập thông tin để thẩm định.
Điều tra viên được phân công cần thu thập thêm thông tin để kiểm tra lại nguồn tin ban đầu, bằng cách:
Gặp gỡ trực tiếp những người đã phản ánh thông tin ban đầu để hỏi cặn kẽ về: nguồn tiếp nhận, cơ sở khẳng định hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, những tổ chức và cá nhân liên quan đến vụ việc, những người khác biết về vụ việc và tất cả những thông tin cần thiết khác liên quan đến vụ việc;
Khai thác sâu thông tin đã có làm rõ cơ sở đề xuất mở rộng nội dung điều tra vụ việc;
Thu thập thêm thông tin qua các nguồn báo chí.
Cố gắng chuyển vụ việc từ hình thức tự phát hiện thành hình thức tiếp nhận hồ sơ khiếu nại bằng các cách thức thích hợp từ đó chuyển nghĩa vụ chứng minh và đa dạng hoá nguồn chứng cứ.
Tổng hợp kết quả xác minh và ra Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh
Sau khi thẩm định, nếu xác định vụ việc có dấu hiệu vụ việc cạnh tranh, điều tra viên lập báo cáo và đề xuất ban hành Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh.
Trong trường hợp vụ việc do Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh phát hiện thông qua thông tin từ các cơ quan, tổ chức và tự phát hiện các dấu hiệu được xác định có thể là: Đã xác định được tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm;
Có những tài liệu, thông tin cơ bản xác định hành vi vi phạm về cạnh tranh có dấu hiệu thực sự đã và đang diễn ra. Cần lưu ý những thông tin, tài liệu này không nhất thiết phải chính xác và đầy đủ ngay, chỉ cần có những thông tin tối thiểu để nhận thức là có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh đã nhưng chưa quá 2 năm hoặc đang xảy ra.
Có tài liệu về những hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây ra.
Nguồn chứng cứ có thể tiếp tục khai thác được.
Khi xác định vụ việc có đủ các dấu hiệu trên, điều tra viên được phân công cần:
Rà soát lại quá trình thực hiện từ tiếp nhận, kiểm tra thông tin.
Rà soát lại toàn bộ tài liệu, thông tin đã có. Nghiên cứu chứng cứ, xây dựng giả thuyết ban đầu về vụ việc. Đánh giá tính đầy đủ, khả năng thu thập chứng cứ.
Lập báo cáo tổng hợp kết quả xử lý thông tin, nêu tóm tắt quá trình tiếp nhận thông tin về vụ việc; những cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc; tóm tắt nội dung vụ việc theo những thông tin đã có và phương án dự kiến xử lý tiếp theo.
Dựa báo báo cáo tổng hợp xử lý hồ sơ, điều tra viên lập báo cáo đề xuất ra Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh.
Chuẩn bị các văn bản sau: Kế hoạch điều tra vụ việc cạnh tranh; Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh; Quyết định phân công điều tra viên thụ lý điều tra vụ việc cạnh tranh;
Trình: Kế hoạch điều tra vụ việc cạnh tranh; Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh; Quyết định phân công điều tra viên thụ lý điều tra vụ việc cạnh tranh để cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đăng ký mở hồ sơ điều tra vụ việc cạnh tranh.
Thực hiện điều tra vụ việc cạnh tranh
Giai đoạn thực hiện điều tra được bắt đầu từ Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh được ban hành cho đến khi thu thập đủ chứng cứ để làm rõ sự việc hoặc trước khi hết thời hạn điều tra theo quy định (bao gồm cả thời gian gia hạn). Mục tiêu của giai đoạn này là thu thập đầy đủ chứng cứ để có thể kết luận về vụ việc cạnh tranh.
Thông báo Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh
Trong quy định của Nghị định 116 hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2014, sau khi có Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh phải tiến hành cấp, tống đạt quyết định. Tuy nhiên, theo Luật Cạnh tranh 2018 và Nghị định 35 các thủ tục này bị loại bỏ.
Điều 78, Luật Cạnh tranh 2018 quy định:
Điều 78. Tiếp nhận, xem xét hồ sơ khiếu nại
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại; trường hợp hồ sơ khiếu nại đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo cho bên khiếu nại về việc tiếp nhận hồ sơ đồng thời thông báo cho bên bị khiếu nại.
Tiến hành các hoạt động điều tra theo kế hoạch
Đây là giai đoạn tập trung nhất các hoạt động điều tra để làm rõ tất cả những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ việc cạnh tranh. Các điều tra viên được sử dụng linh hoạt và đúng thủ tục các quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng cạnh tranh để thu thập chứng cứ theo kế hoạch đã vạch ra.
Trong giai đoạn điều tra, các điều tra viên vụ việc cạnh tranh có thể thực hiện các hoạt động điều tra sau:
Yêu cầu các tổ chức, cá nhân khiếu nại (nếu có); cá nhân, tổ chức bị điều tra; người làm chứng; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc. Tiến hành tiếp nhận các đồ vật, tài liệu do họ cung cấp để làm chứng cứ.
Lấy lời khai đại diện tổ chức, cá nhân là bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan;
Tiến hành làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc.
Trưng cầu giám định.
Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính sau đây theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Tham vấn ý kiến chuyên gia, cơ quan chuyên môn.
Thực hiện các thủ tục để xác định thị phần, thị phần kết hợp, đánh giá sức mạnh thị trường, khả năng gây hạn chế cạnh tranh.
Tiến hành bảo quản, nghiên cứu, đánh giá và sử dụng, công bố các chứng cứ cho các bên bằng hình thức phù hợp theo đúng quy định pháp luật.
Chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Theo quy định của Nghị định 35, trong một số trường hợp Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có thể thực hiện ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ.
Bản chất của việc ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh là việc Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh giao cho cơ quan có thẩm quyền nhân danh Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiến hành một hoặc một số hoạt động lấy lời khai, tiến hành các biện pháp khác theo thẩm quyền thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh tình tiết của vụ việc cạnh tranh.
Việc ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh được quy định tại Điều 22 Nghị định 35 như sau:
Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể ra quyết định ủy thác để cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản
Điều này lấy lời khai của người tham gia tố tụng hoặc các biện pháp khác để thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh tình tiết của vụ việc cạnh tranh.
Trong quyết định ủy thác phải ghi rõ tên, địa chỉ của người tham gia tố tụng và những công việc cụ thể ủy thác để thu thập tài liệu, chứng cứ.
Trường hợp việc thu thập tài liệu, chứng cứ phải tiến hành ở nước ngoài thì theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia làm thủ tục ủy thác thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này hoặc thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh xử lý vụ việc cạnh tranh trên cơ sở các thông tin, chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ việc.
Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ để đưa ra kết luận về từng vấn đề cần chứng minh
Cùng với quá trình thu thập chứng cứ, các điều tra viên vụ việc cạnh tranh phải thường xuyên tập hợp tất các thông tin, tài liệu đã thu được, tiến hành phân loại, xắp xếp và đánh giá nhằm xác định thông tin dùng làm chứng cứ và giá trị chứng minh của chúng. Từ những thông tin khẳng định là chứng cứ, các điều tra viên đưa ra kết luận về từng vấn đề cần phải chứng minh trong vụ việc.
Đảm bảo thực hiện đúng quy định luật cạnh tranh về thời hạn điều tra
Trong giai đoạn thực hiện điều tra, cơ quan điều tra cần chú ý đến thời hạn điều tra để điều chỉnh kế hoạch điều tra.
Thời hạn điều tra được quy định tại Điều 81 Luật Cạnh tranh. Theo đó:
Đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh: thời hạn điều tra là 09 tháng kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng.
Đối với vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế: thời hạn điều tra là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 60 ngày.
Đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh: thời hạn điều tra là 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 45 ngày.
Kết thúc điều tra
Kết thúc điều tra vụ việc cạnh tranh là một giai đoạn của hoạt động điều tra vụ việc cạnh tranh mà nội dung của nó là tiến hành các hoạt động nhằm chấm dứt thu thập tài liệu, chứng cứ, đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc cạnh tranh.
Việc đình chỉ điều tra được Luật Cạnh tranh quy định như sau:
Điều 86. Đình chỉ điều tra
Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định đình chỉ điều tra vụ việc cạnh tranh trong các trường hợp sau đây:
Trong quá trình điều tra không thể thu thập chứng cứ để chứng minh được hành vi vi phạm theo quy định của Luật này;
Bên khiếu nại rút hồ sơ khiếu nại và bên bị điều tra cam kết chấm dứt hành vi bị điều tra, cam kết thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh chấp thuận;
Trường hợp thực hiện điều tra quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật này (trường hợp tự phát hiện), bên bị điều tra cam kết chấm dứt hành vi bị điều tra, cam kết thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh chấp thuận.
Điều 87. Khôi phục điều tra
Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoặc theo đề nghị của các bên liên quan khôi phục điều tra trong các trường hợp sau đây:
Bên bị điều tra không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ cam kết theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 86 của Luật này;
Việc chấp thuận cam kết của bên bị điều tra dựa trên các thông tin không đầy đủ, không chính xác hoặc thông tin sai lệch do các bên cung cấp.
Thời hạn điều tra sau khi có quyết định khôi phục điều tra là 04 tháng.
Việc xác định không thể thu thập chứng cứ để chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh có thể dựa vào một số yếu tố sau:
Về bên khiếu nại: có chứng cứ xác định không thực sự tồn tại bên khiếu nại theo đúng tư cách khi họ khiếu nại, cung cấp tin hoặc có nhưng đã tự nguyện rút đơn;
Về bên bị điều tra: có chứng cứ xác định không thực sự tồn tại bên bị điều tra như nội dung khiếu nại hoặc thông tin khi phát hiện; có tồn tại bên bị điều tra nhưng có tình tiết loại trừ điều kiện xác định chủ thể vi phạm (Ví dụ: đã được miễn trừ) cho tất cả các tổ chức, cá nhân có nghi vấn; hết thời hạn điều tra mà không xác định được bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có vi phạm.
Về hành vi: có chứng cứ chứng minh
Không có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh;
Có hành vi vi phạm nhưng đã hết thời hiệu xử lý;
Hành vi có dấu hiệu của tội phạm, không thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
Trước khi đệ trình quyết định đình chỉ điều tra, điều tra viên căn cứ vào báo cáo kết quả điều tra, lập đề xuất nêu rõ kết quả điều tra và các căn cứ để ra quyết định đình chỉ điều tra. Chuẩn bị các mẫu giấy tờ cần thiết trình Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ký quyết định.
Đối với trường hợp đình chỉ điều tra, sau khi có Quyết định đình chỉ điều tra Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh sẽ tiến hành các thủ tục sau:
Làm thủ tục thông báo quyết định đình chỉ điều tra tới các bên liên quan.
Chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu của tội phạm sang cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền (nếu xác định có dấu hiệu của tội phạm).
Chuyển hồ sơ điều tra vào lưu trữ.
Trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có khả năng phát hiện hành vi có dấu hiệu của một số tội phạm. Tuy nhiên, trực tiếp nhất là Tội vi phạm quy định về cạnh tranh quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Điều 217 – Bộ luật Hình sự năm 2015:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ
500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
Phạm tội 02 lần trở lên;
Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền;
Thu lợi bất chính 3.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại cho người khác 5.000.000.000 đồng trở lên.”;
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”.
Đối với trường hợp có dấu hiệu của tội phạm, việc xử lý vụ việc được thực hiện theo Điều 85, Luật Cạnh tranh:
Điều 85. Chuyển hồ sơ trong trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm
Trong quá trình điều tra, khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, điều tra viên vụ việc cạnh tranh phải báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh xem xét, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chuyển một phần hoặc toàn bộ hồ sơ liên quan đến dấu hiệu của tội phạm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xác định không có căn cứ hoặc không khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về cạnh tranh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để tiếp tục điều tra theo quy định của Luật này. Thời hạn điều tra được tính từ ngày Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận lại hồ sơ.
Trường hợp kết thúc điều tra tốt hơn là Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh kết luận được về vi phạm pháp luật.
Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn kết thúc điều tra vụ việc cạnh tranh là hoàn tất các thủ tục tố tụng, thủ tục hành chính, thủ tục hồ sơ điều tra. Các hoạt động chính trong giai đoạn này bao gồm:
Đánh giá tổng hợp toàn bộ chứng cứ của vụ việc, lựa chọn những tài liệu cần đưa vào hồ sơ, sắp xếp tài liệu lập hồ sơ điều tra. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cần tổ chức họp nội bộ để cùng thảo luận về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Lập báo cáo điều tra. Lập báo cáo điều tra vụ việc cạnh tranh là một thủ tục tố tụng khi kết thúc vụ việc cạnh tranh. Nội dung báo cáo tóm tắt lại sự việc, khái quát lại quá trình điều tra, những kết quả đã đạt được và đề xuất biện pháp xử lý (hình thức kết thúc điều tra, hình thức và mức xử phạt…).
Chuyển Báo cáo điều tra và hồ sơ vụ việc đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định hoặc ra các quyết định xử lý vụ việc theo thẩm quyền và công bố công khai kết quả điều tra.
Theo dõi kết quả xử lí, vào sổ thụ lí án, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và nộp lưu hồ sơ điều tra vụ án theo qui định.
Về báo cáo điều tra và kết luận điều tra, theo Điều 88, Luật Cạnh tranh 2018
Sau khi kết thúc điều tra, điều tra viên vụ việc cạnh tranh lập báo cáo điều tra gồm các nội dung chủ yếu sau đây để trình Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh:
Tóm tắt vụ việc;
Xác định hành vi vi phạm;
Tình tiết và chứng cứ được xác minh;
Đề xuất biện pháp xử lý.
Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra kết luận điều tra và chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh, báo cáo điều tra và kết luận điều tra đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để tổ chức xử lý theo quy định của Luật này.
Những công việc sau đây cần phải tiến hành khi xây dựng kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh.
Nghiên cứu đánh giá tổng hợp chứng cứ: Khi xác định đủ cơ sở để kết thúc việc điều tra, nhóm điều tra cần tập hợp toàn bộ chứng cứ, tiến hành đánh giá tổng hợp toàn bộ chứng cứ. Sử dụng kỹ thuật phân tích để tổng quát lại lần cuối toàn bộ thông tin có được, củng cố lại kết luận đã đưa ra, đồng thời nó hạn chế những thiếu sót, tính phiến diện của những kết luận cho từng bộ phận riêng lẻ. Khi nghiên cứu phải xác định rõ:
Những vấn đề (giả thuyết) đã được làm rõ đầy đủ bằng các chứng cứ thu thập được;
Những vấn đề (giả thuyết) đã rõ nhưng còn thiếu chứng cứ, tức bằng các thông tin (chưa phải chứng cứ) khác nhau chủ thể kiểm tra đã nắm được nhưng lại chưa có chứng cứ để chứng minh.
Những vấn đề còn chưa rõ ràng, chưa có đủ thông tin để kết luận.
Sẽ rất hoàn hảo nếu tất cả những vấn đề của bản chất vụ việc đều có chứng cứ chứng minh và kết luận một cách rõ ràng. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào cũng cho phép đạt được sự hoàn hảo ấy. Bởi vậy, khi đưa ra kết luận, chủ thể điều tra thường chấp nhận số lượng chứng cứ ở mức độ “có tính chất thuyết phục” hơn là có “tính chất kết luận tuyệt đối”. Nghĩa là với những chứng cứ hiện có, đủ để chứng minh những vấn đề quan trọng nhất gắn với bản chất của vụ việc là có thể kết luận được vụ việc.
Lập báo cáo kết quả kiểm tra. Báo cáo kết quả kiểm tra không phải là kết luận điều tra nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Báo cáo kết quả điều tra phản ánh đầy đủ tất cả mọi khía cạnh cả những nội dung đã kết luận được, những mặt chưa kết luận được, những kiến nghị về phương hướng xử lý. Khi lập báo cáo có thể tổ chức họp thống nhất trong nội bộ nhóm điều tra những nội dung kết luận. Nếu cần thiết, yêu cầu các bên liên quan cung cấp thêm tài liệu, giải trình để làm rõ những vấn đề chủ yếu của vụ việc. Sau đó nhóm, điều tra viên thụ lý chính có thể trình xin ý kiến của người chỉ đạo để thống nhất những nội dung kết luận.
Rà soát, sắp xếp toàn bộ hồ sơ điều tra theo hướng kết luận đã thống nhất: Mỗi người được phân công điều tra từng mảng nội dung tự rà soát lại phần hồ sơ của mình. Điều tra viên thụ lý chính tiến hành tập hợp và sắp xếp lại toàn bộ hồ sơ điều tra vụ việc.
Chọn lọc những tài liệu, chứng cứ cần đưa vào hồ sơ. Tiến hành đánh bút lục cho từng tài liệu trong hồ sơ. Người chỉ đạo cuộc kiểm tra soát xét lại toàn bộ hồ sơ vụ việc.
Soạn thảo bản kết luận điều tra (theo mẫu).
Trình dự thảo kết luận xin ý kiến và điều chỉnh theo quy định.
Ban hành kết luận kiểm tra chính thức.