BVNTD

Rào cản gia nhập và mở rộng thị trường trên thị trường gọi xe trực tuyến

23/05/2024

Nền tảng gọi xe trực tuyến, một thành tựu đột phá được sinh ra từ cuộc cách mạng 4.0 với những ưu điểm không thể phủ nhận đã làm thay đổi diện mạo ngành kinh doanh vận tải, đồng thời, tạo nên sức ép lớn với dịch vụ taxi truyền thống. Sự du nhập của các “kỳ lân” Đông Nam Á như Grab hay Gojek vào Việt Nam đã làm bộc lộ những hạn chế bấy lâu nay của taxi truyền thống. Hụt hơi trong cuộc đua “đốt tiền”, sự nhỏ lẻ, phân tán trong hoạt động kinh doanh đã khiến cho nhiều ứng dụng gọi xe mới gia nhập thị trường phải nhanh chóng rút lui hoặc chỉ cầm cự mà không thể chiếm lĩnh được thị trường.

Với quy mô doanh thu đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và Singapore cùng tiềm năng, dư địa phát triển lớn nhờ dân số đông và tỷ lệ truy cập Internet cao, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đang phát triển sôi động, có sự cạnh tranh “khốc liệt” về tài chính, chất lượng dịch vụ và chiến lược mở rộng hệ sinh thái số giữa các nền tảng lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, với những đặc thù riêng như tính chất hai mặt của nền tảng; định giá động theo yếu tố cung, cầu; tính chất kết nối đa chủ ở cả hai mặt của nền tảng cùng với cấu trúc thị trường có mức độ tập trung cao, khi trên 99% thị phần thuộc về 03 doanh nghiệp dẫn đầu, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đặt ra những quan ngại và thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề thực thi pháp luật cạnh tranh.

“Gọi xe trực tuyến” (e-hailing) là việc đặt xe bằng bất kỳ thiết bị điện tử nào, chẳng hạn như máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Nhu cầu toàn cầu về dịch vụ gọi xe trực tuyến ngày càng gia tăng bởi sự phổ biến của điện thoại thông minh và mức độ truy cập internet gia tăng. Theo DataReportal, số lượng thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh trên thế giới ước đạt 6,4 tỷ vào năm 2021. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Internet World Stats, tỷ lệ truy cập internet trên toàn cầu ngày càng gia tăng, trong đó, ở một số khu vực chính như châu Á đạt 63,8% vào tháng 3 năm 2021, châu Âu là 88,2%, châu Phi là 43,2% và Bắc Mỹ là 93,9% (The Insight Partners, 2022).

Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng và giá nhiên liệu tăng cao cũng là các yếu tố góp phần thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ gọi xe trực tuyến. Theo Báo cáo thống kê lần thứ 44 của Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC) về sự phát triển Internet tại Trung Quốc, lượng đặt xe taxi trực tuyến ở Trung Quốc đạt 337 triệu lượt vào tháng 6 năm 2019, tăng 6,7 triệu so với cuối năm 2018 và chiếm 39,4% trong tổng số người dùng Internet. Sự gia tăng nhanh chóng của dịch vụ gọi xe trực tuyến chắc chắn sẽ có tác động lớn hơn đến giao thông đô thị (The Insight Partners, 2022).

Trong số các khu vực trên thế giới, châu Á-Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất trong lĩnh vực gọi xe trên toàn cầu, khi chiếm hơn 43,8% thị phần vào năm 2020. Do có 60% dân số thế giới sinh sống tại khu vực này nên thị trường gọi xe tại châu Á-Thái Bình Dương có quy mô lớn và đang phát triển với tốc độ cao (Mordor Intelligence, 2022).

Năm quốc gia có doanh thu trên thị trường gọi xe và taxi lớn nhất thế giới bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Vương quốc Anh và Indonesia (Statista, 2022).

Thị trường gọi xe trực tuyến trên thế giới có sự thống lĩnh của 05 nền tảng lớn nhất, gồm Uber Technologies, Inc. (Uber); Didi Chuxing Technology Co. (Didi Chuxing); Lyft, Inc. (Lyft); Grab Holdings Inc. (Grab) và Daimler AG (Daimler), trong đó, UBER và Lyft có thị phần nổi bật ở khu vực Bắc Mỹ, còn tại Trung Quốc, Didi Chuxing lại đóng góp thị phần cao. Về tổng thể, Didi Chuxing, Uber, Lyft và Grab có thị phần nổi bật trên toàn cầu (Mordor Intelligence, 2022).

Kể từ khi thành lập vào năm 2010 với tên gọi UberCab tại San Francisco, Uber đã trở thành nền tảng gọi xe nổi tiếng nhất trên toàn cầu, hiện đã có mặt tại hơn 8.600 thành phố và thị trấn trên toàn thế giới. Năm 2021, Uber đã hoàn thành tổng số hơn 90,4 tỷ đơn đặt dịch vụ (bookings) trên nền tảng, trong đó, có 6.368 triệu cuốc xe. Doanh thu của Uber năm 2021 đạt gần 17,5 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng 93% so với năm trước (Uber Technologies, Inc., 2022).

Hiện nay, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Các nền tảng gọi xe phổ biến trên thế giới như Uber, Didi Chuxing, Grab và Lyft vẫn tiếp tục tinh chỉnh mô hình kinh doanh của mình nhằm đáp ứng với các quy định mới (Lee, 2017). Thông thường, các quy định mới này có sự khác nhau giữa các quốc gia. Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản, dịch vụ đi xe chung bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác, chẳng hạn như Singapore, các cơ quan quản lý nhà nước đã chấp nhận các thị trường gọi xe trực tuyến nhưng dần dần tăng cường các quy định nhằm giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường này. Phản hồi đa dạng như vậy ở nhiều quốc gia cho thấy rõ ràng các cơ quan quản lý vẫn đang cố gắng tìm hiểu về thị trường gọi xe trực tuyến.  

Tại Việt Nam, người dân bắt đầu làm quen với dịch vụ gọi xe trực tuyến từ năm 2014 cùng với sự gia nhập của hai nền tảng nước ngoài, gồm Uber và Grab. Khi đó, việc đặt xe trực tuyến thông qua các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động còn khá mới mẻ, thậm chí, được gọi nôm na với những cái tên như “xe taxi công nghệ”, “xe ôm công nghệ”. 

Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm. Nếu năm 2015, quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam mới chỉ đạt 200 triệu đô la Mỹ, thì năm 2021, theo thống kê của Statista, quy mô thị trường này đã đạt khoảng 2,4 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Sở dĩ nền tảng gọi xe trực tuyến ngày càng được ưa chuộng hơn so với dịch vụ taxi truyền thống, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là bởi tính thuận tiện khi dễ dàng gọi xe thông qua ứng dụng, hưởng nhiều ưu đãi, biết được mức phí trước khi thực hiện chuyến đi… Sự tăng trưởng của nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam được thúc đẩy nhờ sự phát triển kinh tế và tốc độ số hóa nhanh chóng.

Tương tự như nhiều thị trường ở khu vực Đông Nam Á, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam được thống trị bởi một số nền tảng đến từ châu Á. Sau khi Uber rời khỏi khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Grab – một “siêu ứng dụng” có trụ sở tại Singapore đã tiếp quản hoạt động kinh doanh của Uber và trở thành nền tảng đặt xe hàng đầu tại Việt Nam, chiếm hơn 70% thị phần. Bên cạnh Grab, nền tảng Gojek của Indonesia (tiền thân là GoViet) và Be (của Tập đoàn Be, một doanh nghiệp của Việt Nam) gần như chiếm phần còn lại của thị trường gọi xe trực tuyến. Trong khi Grab và be Group đã cung cấp cả tùy chọn đặt xe ô tô và đặt xe mô tô, thì Gojek chỉ gần đây (tháng 11 năm 2021) mới bắt đầu giới thiệu dịch vụ đặt xe ô tô trong danh mục dịch vụ của mình. Ngoài việc cung cấp dịch vụ đặt xe ô tô dưới 9 chỗ và xe máy, các nền tảng này còn cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa và giao đồ ăn, chẳng hạn như GrabExpress, GrabFood của Grab và GoSend, GoFood của Gojek. Ngoài ra, Grab và Be cũng đã hợp tác với các công ty công nghệ và ngân hàng để cung cấp các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số và ví điện tử cho các người dùng trên nền tảng của mình (Statista, 2021).

Theo quan sát của chuyên gia, ngoài rào cản về pháp lý trong thời gian đầu khi nền tảng gọi xe trực tuyến mới xuất hiện tại Việt Nam và chưa được điều chỉnh, thì hầu như không có rào cản khác đáng kể đối với việc gia nhập thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến, bởi số vốn ban đầu bỏ ra để xây dựng ứng dụng không lớn. Thực tế là Be Group từng được thành lập vào năm 2018 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 200 triệu đồng. Ngoài Be Group, có rất nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng đã từng ra mắt ứng dụng gọi xe như Fastgo, MyGo, VATO, viApp, GV Taxi, Aber, Go-ixe…  Bên cạnh đó, quy trình để kết nối tài xế và người đi xe thông qua ứng dụng cũng tương đối đơn giản, không phải là rào cản kỹ thuật đối với việc gia nhập thị trường. Ngay cả các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi truyền thống cũng dễ dàng sở hữu một ứng dụng trực tuyến để có thể kết nối giữa tài xế của họ với những người có nhu cầu đi xe trong một khu vực nhất định. Đến nay, Vinasun, Mai Linh hay G7Taxi cũng đều đang vận hành ứng dụng riêng.

Tuy nhiên, để tồn tại và mở rộng, phát triển kinh doanh trên thị trường thì hiện chỉ có ít doanh nghiệp làm được điều đó. Thậm chí, một số doanh nghiệp lớn như Phương Trang (ứng dụng VATO), Viettel Post (ứng dụng MyGo), Mai Linh hay Vinasun đã từng có lợi thế trong lĩnh vực vận tải, bưu chính nhưng sau khi tham gia cung cấp dịch vụ thông qua nền tảng gọi xe trực tuyến cũng chưa thể chiếm lĩnh được thị trường.

Từ đó, có thể hiểu rằng, có những rào cản nhất định để một nền tảng sau khi gia nhập thị trường có thể mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Các rào cản mở rộng thị trường trong lĩnh vực gọi xe trực tuyến có thể kể đến rào cản về tài chính, khả năng tiếp cận và nắm giữ nguồn cung, nguồn cầu hay nói cách khác là khả năng tiếp cận người dùng và kiểm soát quyền tiếp cận người dùng; khả năng sở hữu và kiểm soát dữ liệu lớn của các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường; hiệu ứng mạng lưới của nền tảng, hành vi chuyển đổi của người dùng và khả năng đổi mới của doanh nghiệp.

3.1. Rào cản tài chính

Rào cản lớn đối với việc duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nền tảng gọi xe trực tuyến mà chúng ta có thể nhìn ngay thấy được, đó chính là rào cản về tài chính. Như đã trình bày ở Mục 2.1 Chương này, đằng sau mỗi nền tảng gọi xe phổ biến nhất tại Việt Nam như Grab, Gojek và Be đều có những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính và công nghệ hậu thuẫn, hỗ trợ về vốn. Để xây dựng mạng lưới người dùng, chiếm lĩnh thị trường thì các nền tảng đều phải “đốt tiền”. Mặc dù liên tục gọi vốn và thu hút được số vốn hàng tỷ đô la Mỹ, nhưng kết quả kinh doanh của 03 nền tảng lớn Grab, Gojek và Be cho thấy trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp đều bị lỗ, năm sau lỗ nhiều hơn năm trước.

Từ nguồn lực tài chính dồi dào, những ông lớn có thể dễ dàng áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, thúc đẩy người dùng trải nghiệm và duy trì thói quen sử dụng dịch vụ trên các nền tảng như vậy. Các doanh nghiệp nhỏ, gia nhập sau thường sẽ bị hụt hơi trong cuộc đua về tài chính này (TS. Nguyễn Hữu Tuấn, 2021). Kết cục là nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ đã phải rút khỏi đường đua. Thị trường đã từng chứng kiến rất nhiều ứng dụng rầm rộ gia nhập, nhưng sau đó âm thầm biến mất.

Trong khoảng một năm sau khi Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á hồi tháng 4 năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã rầm rộ ra mắt ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam như Mai Linh, Fast-Go, Vato, Aber, MLV, Go-ixe, Xelo… Các ứng dụng này ban đầu có rất nhiều chính sách thu hút tài xế, khuyến mãi cho khách hàng. Tuy nhiên, đến nay cuộc đua đã tạm dừng với một số “tay chơi” (Báo Tuổi trẻ Online, 2019).

Cụ thể, ứng dụng của Aber chào sân hồi tháng 6 năm 2018 với điểm mới là không thu chiết khấu của tài xế, tung ra 6 sản phẩm dịch vụ như xe máy, ôtô, giao hàng, xe doanh nghiệp… Chỉ ít tháng, ứng dụng này phải thông báo ngừng hoạt động. Trong cuộc trao đổi với Báo Tuổi trẻ, Lãnh đạo của Aber xác nhận đang trong thời gian tạm dừng để… chuẩn bị cuộc chơi lớn hơn và thừa nhận thời gian qua chứng kiến cuộc đua "đốt tiền" của đơn vị đối thủ quá mạnh nên phải tìm hướng khác để cạnh tranh (Báo Tuổi trẻ Online, 2019).

Trong khi đó, thị trường đã từng có kỳ vọng một đối thủ nặng ký của Go-Viet và Grab khi Tập đoàn Phương Trang đầu tư 2.200 tỉ đồng vào phát triển ứng dụng gọi xe VATO. Tuy nhiên, Lãnh đạo của nền tảng này cũng thể hiện quan điểm: “Trong thời gian qua, cuộc đấu của Go-Viet, Grab khá mạnh nên phải tìm hướng khác chứ không tham gia đua vào cuộc chơi này” (Báo Tuổi trẻ Online, 2019).

Nhiều tài xế và khách hàng thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ cũng cho hay ứng dụng FastGo, MLV, Go-ixe khá ít xuất hiện trên thị trường, số lượng tài xế ít, đặt xe khá lâu nên có tài xế đã chuyển qua ứng dụng khác.

Sức ép từ các đối thủ lớn về nguồn vốn, quy mô, số lượng tài xế khiến một số ứng dụng gặp khó khăn. Nhiều đơn vị tháo chạy khỏi cuộc chơi, không chỉ mảng vận tải mà ngay cả giao nhận thức ăn. Điển hình như ứng dụng Lala được hậu thuẫn bởi Ahamove đã phải nói lời giã từ, đóng cửa ở lĩnh vực giao nhận thức ăn vào đầu năm 2019 vì gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đơn vị như Now (nay là Shopee Food), Foody, Grab và Go-Viet (Báo Tuổi trẻ Online, 2019).

3.2. Rào cản pháp lý

Như đã phân tích tại mục 3.1 Chương I, trong giai đoạn từ 2014 đến ngày 01 tháng 4 năm 2021, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP chỉ cho phép kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô theo hợp đồng vận tải bằng văn bản (bản giấy), không có quy định cho phép sử dụng hợp đồng vận tải điện tử. Việc chưa có văn bản quy phạm pháp luật chính thức điều chỉnh đối với hoạt động kinh doanh vận tải thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến đã khiến rất nhiều cuộc tranh cãi, kiện tụng xảy ra giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi truyền thống và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi xe “công nghệ” nhằm định danh các nền tảng gọi xe trực tuyến như Grab, Gojek hay Be là đơn vị kinh doanh vận tải hay đơn vị phần mềm vận tải.

Từ thời điểm ban hành Đề án 24 cho đến khi Nghị định số 10/2021/NĐ-CP có hiệu lực, thì hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe trực tuyến chỉ tồn tại dưới hình thức “thí điểm”, áp dụng hạn chế đối với một số đối tượng nhất định, trong một số khu vực địa lý nhất định, cụ thể:

Đối tượng áp dụng của Đề án 24: Grab, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm và các đơn vị khác cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Địa điểm thực hiện thí điểm theo Đề án 24: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. 

Các quy định nêu trên có thể tạo ra những trở ngại về mặt pháp lý để hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe trực tuyến có thể tồn tại chính thức và được pháp luật điều chỉnh đầy đủ hay được thí điểm đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, đồng thời, cũng tạo ra rào cản trong việc mở rộng hoạt động ra các địa phương nằm ngoài khu vực 05 tỉnh, thành phố được phép triển khai thí điểm theo Đề án 24.

Khi Nghị định số 10/2021/NĐ-CP được ban hành, thay thế cho Nghị định số 86/2014/NĐ-CP từ ngày 01 tháng 4 năm 2021, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đã được sửa đổi, bổ sung và được đánh giá là tạo ra môi trường pháp lý, cơ chế cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa taxi truyền thống và xe công nghệ. Theo đó, từ ngày 01 tháng 4 năm 2021, đơn vị vận tải xe taxi, xe hợp đồng, đơn vị cung cấp phần mềm có thể lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với điều kiện của đơn vị mình. Các quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đảm bảo tính công khai, minh bạch, sự công bằng, bình đẳng giữa xe taxi so với xe hợp đồng; có tăng, giảm điều kiện kinh doanh cho phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển. Các đơn vị vận tải tự lựa chọn và quyết định hình thức để đăng ký kinh doanh cho phù hợp (chính sách tự do không bắt buộc, có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức kinh doanh) (ThS. Đỗ Quốc Phong, 2021).

Với các quy định mang tính công khai, minh bạch và thúc đẩy sự tự do lựa chọn và kinh doanh của các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, cho dù bằng xe taxi hay theo hợp đồng, kể cả hợp đồng điện tử thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến như hiện nay, có thể ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ quản trong việc gỡ bỏ các rào cản pháp lý đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải nói chung và lĩnh vực gọi xe trực tuyến nói riêng.

3.3. Rào cản từ hiệu ứng mạng lưới người dùng

Nền tảng gọi xe trực tuyến cũng giống như bao nền tảng trung gian khác khi đặc trưng bởi hiệu ứng mạng lưới giữa các nhóm người dùng trên nền tảng. Có nghĩa là người đi xe sẽ ưa thích sử dụng những nền tảng có nhiều tài xế hơn và ngược lại tài xế cũng sẽ ưu tiên lựa chọn những nền tảng có nhiều người đi xe hơn.

Khi không có đủ tài xế, một nền tảng mới sẽ không thể tối ưu hoá lợi ích của người đi xe về giá và thời gian chờ của khách hàng do không có đủ số lượng tài xế đăng ký ứng dụng. Do đó người đi xe và tài xế có xu hướng lựa chọn những ứng dụng hiện đang phổ biến trên thị trường.

Thời gian chờ đợi là một đặc điểm quyết định chất lượng các nền tảng gọi xe. Càng có nhiều tài xế và người đi xe sử dụng một ứng dụng gọi xe trong một khu vực, thì càng có nhiều khả năng tài xế và người đi xe thực hiện được chuyến đi.

Hiệu ứng mạng lưới gián tiếp củng cố vị thế của những doanh nghiệp hiện có trên thị trường và làm tăng thời gian, vốn đầu tư ban đầu để các công ty mới gia nhập thị trường xây dựng được mạng lưới tài xế và người đi xe với cùng phạm vi như những đối thủ cạnh tranh hiện tại.

Thực tế cho thấy, hiệu ứng mạng lưới gián tiếp sẽ khiến những đối thủ mới gia nhập thị trường cần tốn chi phí đầu tư ban đầu rất lớn để xây dựng một mạng lưới đủ mạnh để cạnh tranh với các mạng lưới hiện có. Chi phí để có thể thu hút tài xế và người đi xe là rất lớn. Những chi phí ban đầu này gồm các chương trình ưu đãi và khuyến mãi cho cả người lái xe và người đi xe. Đáng chú ý, các chương trình ưu đãi và khuyến mãi như vậy cũng không phải là tất cả đối với người mới tham gia thị trường. Các tân binh này có thể sẽ phải tiếp tục duy trì các chương trình ưu đãi và khuyến mại này để cạnh tranh với nền tảng hiện tại, do các nền tảng hiện tại cũng sẽ tung ra các chương trình khuyến mại có quy mô tương tự hoặc thậm chí lớn hơn.

Hiệu ứng mạng lưới gián tiếp còn làm tăng nguy cơ một doanh nghiệp có được và duy trì vị trí độc quyền trên thị trường do vị thế của họ ngày càng được củng cố bởi hiệu ứng mạng lưới (ThS. Trần Phương Lan, 2021).

3.4. Rào cản từ việc sở hữu và độc quyền khai thác, sử dụng dữ liệu người dùng

Trong các nền tảng đa diện như nền tảng gọi xe, hiệu ứng mạng gián tiếp còn được tăng cường bởi khả năng thu thập và tích luỹ dữ liệu của các ứng dụng gọi xe. Khi một nền tảng thu hút được nhiều người dùng hơn, nền tảng đó có thể thu thập nhiều dữ liệu người dùng hơn, do đó, có hiểu biết tốt hơn về hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng. Hiểu biết của họ về người tiêu dùng có thể được sử dụng để cải thiện chất lượng dịch vụ của nền tảng và thu hút càng nhiều người dùng hơn.

Dưới góc độ nền tảng gọi xe trực tuyến nói riêng, thì dữ liệu người dùng có thể sử dụng để phân tích nhằm đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Ví dụ như là thói quen đi lại, thói quen thanh toán, mua sắm của người dùng thì có thể giúp cho doanh nghiệp có thể phân bổ xe tại từng địa điểm vào những thời gian, khung giờ nhất định, cho nó phù hợp với nhu cầu. Hiện nay, dữ liệu thường được sử dụng liên kết với thông tin định danh khác. Doanh nghiệp có thể trên những thông tin đó là xây dựng được một tệp hồ sơ cá nhân cho từng người tiêu dùng, và có thể dùng cái cơ sở dữ liệu đó để có thể phát triển và tối ưu hóa dịch vụ phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng của từng cá nhân (TS. Nguyễn Anh Tuấn, 2021).

Thuật toán mà các nền tảng sử dụng không chỉ cần một lượng lớn dữ liệu để hoạt động, mà còn cần dữ liệu để cải thiện khả năng phân tích của mình. Theo thời gian, càng thu thập được nhiều dữ liệu thì hoạt động của thuật toán càng được cải thiện. Ông Peter Norvig chuyên gia của Google có nói “chúng tôi không có thuật toán tốt hơn bất kỳ ai khác, chúng tôi chỉ có nhiều dữ liệu hơn”. Do đó, những doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường gọi xe công nghệ sẽ thu thập được một lượng lớn dữ liệu và làm cho rào cản gia nhập và mở rộng thị trường càng ngày càng tăng.

Khi sở hữu dữ liệu lớn về tập quán, thói quen của người tiêu dùng, các nền tảng gọi xe phổ biến sẽ nhận biết được khu vực nào có nhu cầu đi xe cao trong một thời điểm để đưa ra những ưu đãi khiến tài xế di chuyển đến khu vực đó bằng cách tăng giá chuyến xe hoặc cung cấp lợi ích khác như tiền thưởng.

Việc sở hữu, sử dụng và phân tích dữ liệu sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài sản, ngân sách, hiệu suất và chất lượng dịch vụ gọi xe trực tuyến, chẳng hạn như giúp cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng (gợi ý cung đường, dịch vụ hay sử dụng…); giúp các doanh nghiệp có chính sách phù hợp với người dùng ở từng địa phương như điều chỉnh giá cước theo từng vùng miền, địa phương, thói quen chi trả (tiền mặt/thẻ)…; giúp có chính sách áp dụng với tài xế phù hợp (cho vay mua xe chạy dịch vụ, hỗ trợ đào tạo…) (TS. Nguyễn Hữu Tuấn, 2021).

Sẽ đến một thời điểm khi một nền tảng gọi xe có tập dữ liệu về hoạt động của người dùng lớn hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh. Khi đạt đến điểm giới hạn đó, các đối thủ sẽ không thể cạnh tranh về chất lượng dịch vụ với ứng dụng đó.
Do vậy, khi một nền tảng đạt đến điểm giới hạn nêu trên, các đối thủ cạnh tranh tiềm năng sẽ khó có thể vượt qua được thách thức, rào cản vì sự bất cân xứng trong việc tích lũy dữ liệu sẽ luôn mang đến lợi thế vượt bậc cho một nền tảng đã phổ biến đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ chế này củng cố theo thời gian: nền tảng càng có nhiều người dùng và họ sử dụng nền tảng đó càng lâu thì hiệu ứng dữ liệu lớn càng trở nên mạnh mẽ hơn.

3.5. Rào cản từ chiến lược hình thành hệ sinh thái số

Một trong những lý do khiến các doanh nghiệp gọi xe công nghệ nhỏ lẻ không thể cạnh tranh hiệu quả là do ứng dụng của họ khá sơ sài, chỉ tập trung vào dịch vụ gọi xe nên không thể thu hút người tiêu dùng (TS. Nguyễn Hữu Tuấn, 2021).

Trong khi đó, nhìn vào doanh nghiệp đứng đầu ngành, có thể thấy, Grab gia nhập thị trường Việt Nam với khởi điểm là một ứng dụng cung cấp dịch vụ gọi xe taxi (GrabTaxi), sau đó mở rộng sang dịch vụ gọi xe hợp đồng (GrabCar). Đến nay, thông qua ứng dụng của mình, Grab còn cung cấp nhiều dịch vụ khác, gồm giao đồ ăn, đi chợ, giao hàng, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại…; du lịch (tham quan, khách sạn); bảo hiểm; gửi quà tặng…

Rõ ràng đây là một lợi thế đáng kể của các doanh nghiệp có vốn lớn khi tham gia thị trường như Grab, Gojek hay Be. Bản thân các doanh nghiệp đó trong giai đoạn đầu để thu hút lượng người dùng (người đi xe và tài xế) cũng phải chi phí đáng kể. Và khi đã có lượng người dùng nhất định thì phải cung cấp các dịch vụ mà khách hàng có nhu cầu (on demand).

Các siêu ứng dụng ở Việt Nam, cũng giống như các siêu ứng dụng khác, đều xuất phát từ một dịch vụ cơ bản (gọi xe, nhắn tin, mạng xã hội), sau đó tích hợp thêm các tính năng mới, ví dụ như thanh toán điện tử, giao hàng, giao đồ ăn… vào nền tảng ban đầu, với sự tham gia của các đơn vị có tiềm lực tài chính, công nghệ.

Chiến lược hình thành siêu ứng dụng của các doanh nghiệp công nghệ không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Nhìn nhìn rộng ra trong khu vực thì gần đây các nền tảng có nhiều người sử dụng cũng đang có những kế hoạch xâm nhập thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ.

Một ví dụ gần đây nhất là Traveloka – công ty khởi nghiệp về du lịch trực tuyến lớn nhất ở Đông Nam Á – đã mở rộng sang lĩnh vực đặt xe như một phần trong kế hoạch trở thành nền tảng kỹ thuật số toàn diện, thông qua tính năng QuickRide làm nóng thêm cuộc đua siêu ứng dụng trong khu vực. Trước đó, Traveloka đã ra mắt dịch vụ cho vay tín dụng trực tuyến thông qua Traveloka PayLater vào năm 2018 và giới thiệu dịch vụ giao đồ ăn qua Traveloka Eats vào cuối năm 2020.

Một ví dụ khác là một ông lớn trong lĩnh vực hàng không là AirAsia đã ra mắt dịch vụ gọi xe AirAsia Ride để đương đầu với hai người khổng lồ trong khu vực là Grab và Gojek trong cuộc đua của những siêu ứng dụng.

Xu hướng hình thành hệ sinh thái số có thể được coi là xu hướng tất yếu trong thị trường mang tính cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, giúp thay đổi thói quen người dùng, thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa và tăng hiệu suất của các sản phẩm và dịch vụ mới lên đáng kể (TS. Nguyễn Hữu Tuấn, 2021). Bên cạnh việc tạo ra động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường phải nỗ lực để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp hiện hữu trên thị trường, nhưng vô hình chung, ở một khía cạnh khác, chiến lược hình thành hệ sinh thái số khiến cho các doanh nghiệp thống lĩnh ngày càng lớn mạnh hơn, khiến cho các tân binh đến sau khó có thể đuổi kịp họ./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ