Trong vài năm trở lại đây, với những đặc tính ưu việt như tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, TMĐT đang trở thành một trong những phương thức kinh doanh hiệu quả được các tổ chức, cá nhân kinh doanh (doanh nghiệp) lựa chọn và được người tiêu dùng tại Việt Nam ưa chuộng. Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), từ năm 2016 TMĐT bước sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Kết quả hiện nay cho thấy, TMĐT ở Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng và quy mô khá cao (tốc độ tăng trưởng năm 2018 so với 2017 đạt trên 30%; quy mô 2018 đạt 9 tỷ USD. Dự báo nếu tiếp tục duy trì đà phát triển như vậy, đến năm 2025 quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.
Với tốc độ phát triển vượt bậc, thị trường TMĐT Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng – vốn là hai chủ thể chính của giao kết. Tuy nhiên, với đặc thù của phương thức giao kết hợp đồng qua mạng điện tử (giao kết từ xa), người tiêu dùng không được tiếp xúc trực tiếp và kiểm tra chất lượng sản phẩm (cho đến khi đã đồng ý giao kết hợp đồng), không được tham gia vào quá trình soạn thảo các mẫu hợp đồng, điều khoản giao kết mà hoàn toàn do doanh nghiệp đơn phương và chủ động soạn thảo, áp dụng. Chính vì vậy, vấn đề về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng cũng như các vụ việc tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng phát sinh từ những giao kết tiêu dùng chưa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật cũng đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, công tác này hiện được giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT&KTS) – là đơn vị duy nhất thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực TMĐT và hoạt động kinh tế số, trong đó có việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký, thông báo và cấp phép cho hoạt động TMĐT theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin được Cục TMĐT&KTS cung cấp, năm 2018 Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT của Cục TMĐT&KTS đã tiếp nhận 4.132 hồ sơ đăng ký và 45.817 hồ sơ thông báo về hoạt động TMĐT (website/ứng dụng TMĐT) theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Theo đó, Cục TMĐT&KTS đã xác nhận cho 24.247 hồ sơ thông báo và xác nhận đăng ký cho 910 hồ sơ đăng ký website TMĐT của doanh nghiệp. Kết quả xác nhận của Cục TMĐT&KTS chấp nhận về việc đăng ký/thông báo đối với website TMĐT của doanh nghiệp được thể hiện bằng biểu tượng/ký hiệu “Đã đăng ký với Bộ Công Thương” và “Đã thông báo với Bộ Công Thương”. Tuy nhiên, các hồ sơ/tài liệu đăng ký/thông báo của doanh nghiệp TMĐT nêu trên (bao gồm cả các HĐTM, ĐKGDC đính kèm) mới chỉ được Cục TMĐT&KTS xem xét, thẩm định và xét duyệt dưới góc độ pháp luật TMĐT chứ chưa được xem xét về tình phù hợp dước góc độ pháp luật BVQLNTD. Với thực trạng và bối cảnh đã nêu ở trên, việc tồn tại những nội dung chưa phù hợp/chưa tuân thủ pháp luật BVQLNTD, ảnh hưởng hoặc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các HĐTM/ĐKGDC là rất có khả năng, cần thiết phải tăng cường vai trò giám sát của cơ quan nhà nước về BVQLNTD trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở đó, xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị và giải pháp như sau:
Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở kết quả giám sát mức độ tuân thủ pháp luật BVQLNTD về HĐTM, ĐKGDC của các doanh nghiệp TMĐT tại Báo cáo, để có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kiểm soát HĐTM, ĐKGDC đối với các doanh nghiệp TMĐT trong tình hình mới, Phòng HĐM kính đề xuất một số giải pháp cần thiết, chủ yếu như sau:
Giải pháp trước mắt liên quan đến Kết quả giám sát
– Trên cơ sở đã thống nhất ý kiến với Cục TMĐT&KTS, Cục gửi công văn đề nghị doanh nghiệp làm việc, trong đó tập trung vào hai nội dung chính:
+ Thông báo kết quả giám sát của Cục cho doanh nghiệp;
+ Yêu cầu doanh nghiệp giải trình và/hoặc có biện pháp khắc phục đối với những điều khoản có nội dung chưa tuân thủ quy định pháp luật cũng như chưa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và báo cáo kết quả khắc phục (bằng văn bản) về Cục trong một thời hạn nhất định.
– Hiện nay 40% doanh nghiệp của Báo cáo thuộc danh sách thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra (TTKT) 2020 của Cục đã được Bộ trưởng phê duyệt. Do vậy, đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra 2020, Cục sẽ sử dụng kết quả giám sát HĐTM, ĐKGDC này trong quá trình thanh kiểm tra để yêu cầu doanh nghiệp giải trình/khắc phục các điều khoản cho phù hợp quy định pháp luật.
Giải pháp lâu dài
Đối với việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật
– Nghiên cứu, đề xuất với Cục TMĐT&KTS liên quan đến việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 52/2013-NĐ-CP, theo đó: Kiến nghị bổ sung nội dung tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp TMĐT trong việc tuân thủ các quy định về HĐTM, ĐKGDC theo pháp luật BVNTD thông qua cơ chế phối hợp thẩm định hồ sơ giữa hai Cục trong giải quyết thủ tục đăng ký, thông báo và cấp phép cho hoạt động TMĐT theo quy định tại Nghị định số 52/2013-NĐ-CP. Trên cơ sở đó (nếu được thông qua), phối hợp với Cục TMĐT&KTS xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai Cục trong việc thẩm định các hồ sơ đăng ký hoạt động TMĐT, đảm bảo ngoài việc đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật TMĐT, các mẫu hợp đồng, điều kiện giao dịch chung dự kiến áp dụng trong bộ hồ sơ của doanh nghiệp cần tuân thủ cả các quy định về HĐTM, ĐKGDC theo pháp luật BVNTD.
– Rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật, cụ thể là Luật BVQLNTD và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng: Bổ sung các nội dung có liên quan đến giao kết HĐTM, ĐKGDC trong lĩnh vực TMĐT, trong đó cần chú trọng đến việc phân định trách nhiệm giữa các chủ thể có liên quan đối với người tiêu dùng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ có liên quan của các chủ thể trong giao kết tiêu dùng có sự tham gia của nhiều chủ thể, đặc biệt là mô hình kinh tế chia sẻ.
– Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án tăng cường nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế chia sẻ, trong đó chú trọng công tác phổ biến pháp luật, cảnh báo sớm cho các chủ thể cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng.
– Tiếp tục theo dõi, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu, đề xuất những cơ chế quản lý, chính sách pháp luật phù hợp điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa chủ thể trên môi trường TMĐT, trong đó có mô hình kinh tế chia sẻ.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
– Cục chủ trì/phối hợp với đơn vị chuyên trách như Cục TMĐT&KTS và/hoặc các Sở tại địa phương nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BVNTD đến các đối tượng có liên quan như người tiêu dùng, doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT, đặc biệt tập trung phổ biến về các nội dung như nghĩa vụ tuân thủ pháp luật khi soạn thảo và áp dụng HĐTM, ĐKGDC, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, trách nhiệm bảo hành hàng hóa theo quy định, trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng, không cung cấp thông tin cá nhân của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được người tiêu dùng đồng ý.
– Tổng hợp và đăng tải những tin bài, trong đó lưu ý những vấn đề người tiêu dùng thường dễ bị vi phạm quyền lợi trong quá trình nghiên cứu, giao kết điều kiện điều khoản với doanh nghiệp TMĐT; khuyến khích người tiêu dùng, xã hội cung cấp thông tin về các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có nghĩa vụ về HĐTM, ĐKGDC…
Đối với công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về kiểm soát HĐTM, ĐKGDC
– Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan, nhất là Cục TMĐT&KTS trong việc chia sẻ thông tin và giải quyết các vấn đề có liên quan như: phối hợp thẩm định hồ sơ đăng ký hoạt động TMĐT của doanh nghiệp (nếu được thông qua), phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có), chia sẻ và phối hợp hỗ trợ giải quyết khiếu nại người tiêu dùng liên quan đến TMĐT.
– Nghiên cứu, kiến nghị bổ sung riêng một quy định về cơ chế phối hợp trong triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có công tác kiểm soát HĐTM, ĐKGDC, thể hiện rõ cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác này.
Đối với công tác giám sát pháp luật, thanh tra, kiểm tra
– Cục chủ trì/phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và/hoặc Sở tại địa phương tăng cường công tác giám sát thi hành pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm (nếu có), tập trung vào các vấn đề như không giao kết HĐTM, ĐKGDC có nội dung không tuân thủ quy định pháp luật, cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ cho người tiêu dùng theo quy định pháp luật và theo thẩm quyền của từng đơn vị.
– Tiếp tục thực hiện công tác giám sát đối với các doanh nghiệp thuộc mô hình kinh tế chia sẻ (hiện nay là các doanh nghiệp P2P Lending do Phòng NTD chủ trì phối hợp với Phòng HĐM thực hiện); phối hợp theo dõi, đóng góp ý kiến, đề xuất đối với thí điểm quản lý mô hình P2P Lending của Ngân hàng Nhà nước cũng như nghiên cứu, đề xuất hoạt động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động P2P Lending và mô hình kinh tế chia sẻ.