Tập trung kinh tế trên thị trường là quá trình mà số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường bị giảm đi thông qua các hành vi sáp nhập hoặc thông qua tăng trưởng nội sinh của doanh nghiệp trên cơ sở mở rộng năng lực sản xuất.
Tập trung kinh tế là quyền của các doanh nghiệp trên thị trường, được thực hiện thông qua các hành vi của doanh nghiệp. Có thể khẳng định rằng, tập trung kinh tế là biện pháp hữu hiệu nhất giúp doanh nghiệp giải quyết nhu cầu tích tụ các nguồn lực phục vụ cho nhu cầu tồn tại và phát triển của doanh nghiệp từ các nhà đầu tư trên thị trường, là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp gặp khó khăn, có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh mà tự bản thân doanh nghiệp không thể đáp ứng được.
Các hình thức tập trung kinh tế
Dựa vào vị trí của các doanh nghiệp tham gia giao dịch tập trung kinh tế trong các cấp độ kinh doanh khác nhau có thể chia tập trung kinh tế thành 3 hình thức khác biệt gồm chiều ngang, chiều dọc và hỗn hợp.
Tập trung kinh tế theo chiều ngang (Horizontal): là việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp trong cùng một thị trường liên quan. Hay nói cách khác, đây là một hình thức tập trung kinh tế được thực hiện giữa các doanh nghiệp nằm ở vị trí ngang nhau củaa chu trình sản xuất, phân phối hoặc lưu thông hàng hóa.
Kết quả của những giao dịch như trên thường mang lại cho doanh nghiệp cơ hội mở rộng thị trường, kết hợp thương hiệu, giảm chi phi, tăng cường hiệu quả của hệ thống phân phối và hậu cần. Một giao dịch tập trung kinh tế chiều ngang không luôn luôn mang lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp, mà kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tập trung kinh tế theo chiều dọc (Vertical): là việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp có quan hệ người mua – người bán với nhau. Giao dịch này giúp doanh nghiệp tiến hành tập trung kinh tế lợi thế về đảm bảo và kiểm soát chất lượng nguồn hàng hoặc đầu ra sản phẩm, giảm chi phí trung gian, khống chế nguồn hàng hoặc đầu ra của đối thủ cạnh tranh. Hành vi này có thể tác động tiêu cực đến cạnh tranh vốn có trên thị trường thông qua việc gây sức ép cho doanh nghiệp khác.
Có thể nhận thấy, việc tập trung kinh tế theo chiều ngang có khả năng gây nhiều tác động xấu đến thị trường hơn là các giao dịch theo chiều dọc.
Tập trung kinh tế theo hình thức tổ hợp (Conglomerate): là việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp không cùng hoạt động trên cùng một thị trường sản phẩm liên quan, đồng thời cũng không có mối quan hệ khách hàng với nhau. Mục tiêu của việc sáp nhập này thường là nhằm phân tán rủi ro vào những thị trường khác nhau hoặc từ những lý do chiến lược thị trường của các doanh nghiệp đó. Hoạt động này có thể tác động tiêu cực đến cạnh tranh thông qua những lợi thế về tín dụng, thanh toán và quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, hiện nay hình thức tổ hợp chưa phổ biến bằng hai loại hình thức trước.
Tác động của tập trung kinh tế đối với cạnh tranh trên thị trường
Tập trung kinh tế với tư cách là một hiện tượng, thậm chí đôi lúc còn được coi là trào lưu trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường, đã có những tác động đáng kể tới đời sống kinh tế, đối với cạnh tranh trên thị trường. Điều đó được nhìn nhận dưới các góc độ rộng và hẹp khác nhau.
Thứ nhất, tập trung kinh tế có vai trò cơ cấu lại thị trường.
Các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp góp phần cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả song không làm giảm đi giá trị đầu tư của thị trường. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc phải đương đầu với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm kinh doanh lâu đời sẽ là thách thức khá lớn đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế thị trường chuyển đổi. Một trong những biện pháp mà nhiều nước (trong đó có cả các nước phát triển) sử dụng là tập trung các nguồn lực kinh tế để hình thành nên các tập đoàn hoặc liên minh có sức mạnh về tài chính, kỹ thuật, công nghệ.
Thứ hai, tập trung kinh tế làm thay đổi cơ cấu cạnh tranh vốn có trên thị trường.
Hợp nhất (sáp nhập) theo chiều ngang: Mục tiêu chính của hình thức hợp nhất này là thực hiện hiệu quả theo quy mô thực hiện mục tiêu chiến lược thị trường hoặc muốn tạo ý nghĩa chính trị. Việc hợp nhất theo chiều ngang, về lý thuyết, có thể tạo ra những tác động tích cực và tiêu cực. Theo lý thuyết cạnh tranh thì sự gia tăng hợp nhất theo chiều ngang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp hành động giữa các doanh nghiệp và từ đó dẫn đến hạn chế cạnh tranh theo giá.
Hợp nhất (sáp nhập) theo chiều dọc thường nhằm giảm chi phí giao dịch hoặc thực hiện những mục tiêu chiến lược thị trường. Hợp nhất theo chiều dọc có thể dẫn đến những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến cạnh tranh thông qua việc gây sức ép cho doanh nghiệp khác.
Hợp nhất (sáp nhập) theo đường chéo thường nhằm phân bổ rủi ro vào những thị trường khác nhau hoặc xuất phát từ chiến lược thị trường của doanh nghiệp. Lợi thế quy mô thực sự của loại hình tập trung kinh tế này chỉ có thể xảy ra trong nghiên cứu và triển khai, tổ chức và quản lý. Hình thức hợp nhất này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh thông qua những lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực tín dụng, thanh toán, trong quan hệ đối ngoại.
Doanh nghiệp chung (liên doanh) là hình thức hợp nhất đặc biệt có tác động được đánh giá tương tự như tác động của các hình thức hợp nhất theo chiều ngang, chiều dọc hoặc đường chéo.
Sự cần thiết phải kiểm soát tập trung kinh tế
Các phân tích tại các phần trước cho thấy, hoạt động tập trung kinh tế có khả năng mang đến cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch rất nhiều lợi ích rõ rệt và cả những nguy cơ làm suy giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Dưới góc độ kinh tế, hoạt động tập trung kinh tế xuất phát và phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, tăng cường tiềm lực của doanh nghiệp, cho nên chúng thuộc phạm vi của quyền tự do kinh doanh mà pháp luật đã thừa nhận và bảo hộ. Hoạt động tập trung kinh tế tạo điều kiện để tập hợp các doanh nghiệp phân phối hoặc khách hàng vào một mối để đảm bảo tốt hơn nguồn cung hoặc khả năng tiêu thụ, tạo sự hiệp lực mới, dẫn đến cải cách bằng cách kết hợp nhân tài của các doanh nghiệp với nhau… Từ đó, thị trường được thay đổi theo hướng: các nguồn lực được sử dụng tập trung và hiệu quả hơn, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong kinh doanh. Do dó, pháp luật các quốc gia đều không loại bỏ các hành vi tập trung kinh tế ra khỏi sinh hoạt chung của thị trường.
Tuy nhiên, tập trung kinh tế có thể dẫn đến hệ quả hình thái thị trường cạnh tranh thay đổi và chuyển sang mô hình độc quyền nhóm hoặc hình thành các doanh nghiệp có quyền lực thị trường. Hoạt động tập trung kinh tế đã đột ngột làm xuất hiện một hoặc một nhóm doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh bằng tổng năng lực cạnh tranh của tất cả doanh nghiệp tham gia. Về căn bản, tập trung kinh tế không trực tiếp làm giảm vị trí cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp hiện hữu, song lại làm thay đổi quan hệ giữa họ với doanh nghiệp sau giao dịch. Do những hậu quả tiềm tàng như vậy, việc điều chỉnh các giao dịch tập trung kinh tế là một nhu cầu bức thiết của thực tiễn và đã trở thành một phần quan trọng của chính sách và pháp luật cạnh tranh trên thế giới. Chính vì những lợi ích và các tác động tiêu cực của giao dịch tập trung kinh tế như trên, pháp luật nhìn nhận tập trung kinh tế là hoạt động hiển nhiên của nền kinh tế nhưng cần kiểm soát hậu quả của các giao dịch này chứ không nên cấm đối hoàn toàn. Thông qua chính sách và pháp luật cạnh tranh, Nhà nước đã thực hiện việc kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế để kịp thời ngăn chặn những tác động làm suy giảm cạnh tranh của giao dịch. Khi kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế, Nhà nước nhất thiết phải cân nhắc về tính hiệu quả của từng giao dịch.