Trong khuôn khổ thoả thuận về Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO (B-WTO) giữa Chính phủ Anh, Chính phủ Úc và Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Anh và Chính phủ Úc đã tài trợ cho Cục Quản lý cạnh tranh triển khai Dự án “Nâng cao năng lực cho Cục Quản lý cạnh tranh nhằm tăng cường thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam”, trong đó có việc xây dựng “Báo cáo nghiên cứu thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”
Ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ Hiệp định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) của WTO. Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng trong suốt những năm qua để những quy định và luật pháp của Việt Nam về sở hữu trí tuệ phù hợp với Hiệp định TRIPS. Nhìn chung, cho đến nay, Việt Nam đã triển khai một cách toàn diện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đã đạt được nhiều tiến bộ, đáp ứng phần lớn các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn nhiều vấn đề cần xem xét… dẫn đến tình trạng vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra khá phổ biến.
Xem xét mối quan hệ giữa cạnh tranh không lành mạnh và sở hữu trí tuệ là một vấn đề không hề đơn giản, ngay cả ở những nước có nền khoa học pháp lý phát triển, việc tồn tại song song hai phương thức kiện dựa trên cơ sở pháp luật cạnh tranh và pháp luật về SHTT đối với các hành vi phạm quyền SHTT ở Việt Nam lại càng khiến mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn. Luật cạnh tranh và luật SHTT là hai luật đặc thù của nền kinh tế thị trường có mục tiêu chung nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Luật sở hữu trí tuệ khuyến khích sáng tạo bằng cách trao cho người chủ sở hữu quyền bảo hộ độc quyền trong việc khai thác tài sản SHTT. Trong khi đó, Luật cạnh tranh khuyến khích sáng tạo bằng cách tạo cơ hội cho công bằng cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Mối quan hệ chặt chẽ giữa hai luật thể hiện qua một số mảng giao thoa: Luật cạnh tranh cân bằng các quyền liên quan đến SHTT, đảm bảo các chủ sở hữu không lợi dụng quyền SHTT đã được bảo hộ để gây hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, đối tượng có liên quan đến SHTT thuộc phạm vi áp dụng Luật cạnh tranh rộng hơn so với pháp luật về SHTT. Các đối tượng như khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng, bao bì, chỉ dẫn thương mại, tên miền… nếu không được bảo hộ bằng các quy định riêng về SHTT thì hoàn toàn có thể tìm thấy cơ sở pháp lý để bảo vệ trong Luật cạnh tranh. Các đối tượng này theo truyền thống không phải là đối tượng bảo hộ quyền SHTT. Mặc dù có mối quan hệ giao thoa chặt chẽ, sự kết nối giữa hai luật này hiện nay là không rõ ràng. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành hai luật cũng chưa có, dẫn đến nhiều vụ việc phát sinh chưa có cơ sở giải quyết. Vậy vấn đề đặt ra là cần nâng cao hiệu quả thực thi của pháp luật cạnh tranh liên quan đến SHTT.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, báo cáo nghiên cứu “Thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan đến bảo hộ quyền SHTT” sẽ là một tài liệu tổng hợp về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT thông qua phân tích chính sách và quy định pháp luật cũng như việc thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan đến bảo hộ quyền SHTT trên thực tế của Việt Nam mong muốn sẽ đáp ứng được phần nào yêu cầu trên.
Nhằm xây dựng bản Báo cáo một cách hoàn thiện và chuyên sâu, Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành thuê chuyên gia (03 chuyên gia) thực hiện 03 chuyên đề liên quan đến thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan đến bảo hộ quyền SHTT, với mục đích sau:
– Phân tích chuyên sâu, tổng hợp, phân tích đánh giá về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT, mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và bảo hộ quyền SHTT cả về luật định cũng như thực thi trên thực tế; rà soát lại hoạt động pháp luật cạnh tranh liên quan đến SHTT và các quy định giao thoa giữa hai luật, từ đó đề ra giải pháp và tăng cường khả năng hợp tác giữa các cơ quan thực thi luật, nhằm mục đích xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển kinh tế.
– Các nghiên cứu chuyên đề sẽ là cơ sở cho việc xây dựng nghiên cứu tổng hợp về thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan đến bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam.
Những chuyên gia có ý định tham gia tư vấn xin gửi hồ sơ theo quy định tại Điều khoản tham chiếu về Cục Quản lý cạnh tranh trước 17h00 ngày 15 tháng 06 năm 2010.