BVNTD

Thực tiễn thi hành pháp luật bán hàng đa cấp ở Việt Nam

Theo nguồn số liệu thu thập được của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, công tác thực tiền thi hành pháp luật bán hàng đa cấp tại Việt Nam có một số vấn đề như sau:

Những thành tựu đạt được

Về quản lý doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Trong năm 2019, Cục CT&BVNTD (tiền thân của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho 03 doanh nghiệp, có 04 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 05 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp vì không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định 40/NĐ-CP.

Đến tháng 2 năm 2020, Cục CT&BVNTD đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận của 01 doanh nghiệp, đồng thời có thêm 01 doanh nghiệp hết hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Như vậy, tính đến tháng 3-2020, cả nước chỉ còn 22 doanh nghiệp đa cấp đang hoạt động, giảm 26% so cuối năm 2018 trong đó có những doanh nghiệp quen thuộc như: Công ty TNHH (Công ty trách nhiệm hữu hạn) AMWAY Việt Nam, Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam… Hồi tháng 4-2019, số doanh nghiệp đa cấp đang hoạt động tại Việt Nam là 23, nhiều hơn hiện tại 1 doanh nghiệp.

Qua số liệu trên, có thể thấy rằng các cơ quan quản lý về kinh doanh theo phương thức đa cấp đã có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt trong việc phối hợp kiểm tra và báo cáo liên quan đến điều kiện hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp. Những doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động chấm dứt kinh doanh theo quy định pháp luật.

Về quản lý cá nhân tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp

Theo số liệu báo cáo của 23 doanh nghiệp, tổng số lượng người có ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp năm 2019 là 1.086.781 người. Con số này đã có giảm 159.415 người (khoảng 13 %) so với cuối năm 2018, song đây cũng vẫn là một con số khá lớn. Nhằm kiểm soát có hiệu quả đối với số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, Bộ công thương đã phối hợp các các cơ quan ban ngành để tiến hành các hoạt động kiểm tra liên ngành về điều kiện đối với những người tham gia bán hàng trong mạng lưới kinh doanh đa cấp và về hoạt động tập huấn kiến thức, tuyên truyền pháp luật cho những người tham gia tại các doanh nghiệp.

Theo thống kê của Cục CT&BVNTD trong năm 2019, Cục đã tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, qua đó cấp xác nhận cho 42 người thuộc 11 doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Quy số liệu trên, cho thấy lượng người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp rất lớn, tuy nhiên số người tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và đáp ứng đủ điều kiện để cấp giấy xác nhận rất ít. Do đó, cần tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp

Thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan nhà nước được thể hiện như sau:

+ Công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định pháp luật, thường xuyên giữ mối liên hệ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời các địa phương về chuyên môn trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Thường xuyên tổ chức các hội nghị tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp hàng năm tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Qua đó, Ủy ban đã thông tin về tình hình công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc, lắng nghe và giải đáp các vướng mắc của Sở Công Thương địa phương trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

+ Các vướng mắc, khó khăn của các Sở Công Thương được phản ánh qua văn bản cũng được Ủy ban trực tiếp hoặc tham mưu Lãnh đạo Bộ trả lời, hướng dẫn kịp thời.

+ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn giúp các Sở Công Thương thuận lợi hơn trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương;

+ Trang thông tin nội bộ quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia duy trì và cập nhật thường xuyên để truyền tải các thông tin quản lý đến các Sở Công Thương một cách nhanh chóng, hiệu quả.

+ Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng thường xuyên trao đổi, hỗ trợ các Sở Công Thương thông qua các kênh liên lạc khác như thư điện tử, điện thoại, email hỗ trợ trực tiếp các vướng mắc của doanh nghiệp.

Về công tác thanh tra, kiểm tra.

Sau khi nghị định 40/2018/NĐ-CP được triển khai trên thực tế công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và xử lý sau thanh tra được đẩy mạnh và có hiệu quả hơn. Cụ thể:

Năm 2019, Cục CT&BVNTD đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 04 doanh nghiệp.

Thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2020 của Bộ Công Thương, đầu năm 2020 Cục CT&BVNTD triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với các doanh nghiệp:

– Công ty TNHH Nhượng quyền Toàn Thắng,  địa chỉ: 87C Bờ bao Tân Thắng, Phường Sơn Kỳ, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh;

– Công ty TNHH MTV Thương mại Hoa Kỳ Lợi, địa chỉ: 345/2 Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;

Trong Quý III năm 2020, Cục CT&BVNTD tiếp tục tiến hành thanh tra đối với 03 doanh nghiệp

– Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink), địa chỉ: Lô C16/D21 khu đô thị mới Cầu Giấy, Phố Dịch Vọng Hậu, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

– Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam, Địa chỉ: Số 89, Đường Xuân Hồng, Phường 12, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh;

– Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam, 280 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về xử lý vi phạm

Hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thường xuyên chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện thanh tra, kiểm tra mọi mặt, tăng cường giám sát để hạn chế những vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp, cụ thể đã đạt được hiệu quả như sau:

  1. Về xử lý hành chính

Trong giai đoạn 2013-2019, Cục đã xử lý một số hành vi bán hàng đa cấp bất chính:

Bảng 1: Bảng thống kê các hành vibán hàng đa cấp bất chính bị xử lý từ năm 2014 đến năm 2019

Năm

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

Số hành vi bán hàng đa cấp

 bất chính vi phạm

1

4

5

9

2

3

 

Nguồn: Báo cáo thường niên Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng từ năm 2013-2019

Thông qua bảng số liệu trên có thể thấy số hành vi bán hàng đa cấp bất chính bị xử phạt không đồng đều. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong bán hàng đa cấp được đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh trong năm 2017, 2018, 2019

Tháng 4/2017, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục CT&BVNTD đã điều tra theo quy định của Luật Cạnh tranh và ban hành quyết định xử lý đối với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy trong đó phạt tiền 140.000.000 đồng đối với 3 hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường đã xử phạt Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tổng cộng 75.000.000 đồng đối với 2 hành vi vi phạm.

Năm 2017, Cục CT&BVNTD đã trực tiếp tiến hành kiểm tra 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, thì có 3 doanh nghiệp bị xử phạt số tiền 950 triệu đồng. 3 doanh nghiệp bị xử phạt là Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm (30 triệu đồng); Công ty Cổ phần Everrichs (620 triệu đồng), Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group (300 triệu đồng).

Cũng trong năm 2017, Cục CT&BVNTD đã điều tra, xử phạt đối với một số doanh nghiệp khác như Thiên Ngọc Minh Uy (140 triệu đồng); Công ty TNHH Herbalife Việt Nam (140 triệu đồng); Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế (240 triệu đồng); Công ty TNHH World Việt Nam (80 triệu đồng); Công ty Người lái xe mặt trời (51 triệu đồng); Công ty TNHH Visi Việt Nam (30 triệu đồng).

Căn cứ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty cổ phần Everrichs và Công ty TNHH BHIP.

Như vậy, đã có tổng cộng 9 doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị xử phạt với tổng số tiền 1,631 tỷ đồng.

Trong năm 2017, Công ty bán hàng đa cấp có quy mô lớn nhất là Thiên Ngọc Minh Uy đã xin dừng hoạt động. Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành giám sát việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp

Đến năm 2018, có một số công ty chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: Công ty Vision, Công ty TNHH Khang Lợi Thái. Năm 2018 đã thanh tra đối với 8 doanh nghiệp bán hàng đa cấp; xử phạt vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp với số tiền 130 triệu đồng và 1 điểm tư vấn dinh dưỡng 3 triệu đồng. Tháng 7/2019, Cục CT&BVNTD đã kết hợp với các cơ quan liên quan triển khai thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với Công ty TNHH một thành viên New Image Việt Nam và Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam. Kết quả thanh tra là cả 2 công ty đều có những tồn tại, hạn chế. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành Quyết định xử phạt với tổng số tiền là 835.000.000 đồng, đồng thời yêu cầu Công ty khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Năm 2019, tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đã xử phạt 04 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 1.810 triệu đồngvà thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 01 doanh nghiệp.

Bảng kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm năm 2019

TT

Tên doanh nghiệp

Tổng số tiền phạt (triệu đồng)

Ghi chú

11

Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam

585

Xử phạt vi phạm hành chính

22

Công ty TNHH một thành viên New Image Việt Nam

250

Xử phạt vi phạm hành chính

33

Công ty TNHH Morinda Việt Nam

605

Xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy chứng nhận

44

Công ty TNHH Người lái xe mặt trời Việt Nam

370

Xử phạt vi phạm hành chính

Nguồn: Báo cáo của Cục CT&BVNTD về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp năm 2019

  1. Về xử lý hình sự

Từ khi bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam cho đến nay, đã có không ít cá nhân lợi dụng mô hình kinh doanh này để lừa đảo, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Theo thống kê trong năm 2019, Cục CT&BVNTD đã tiếp nhận khoảng 100 lượt khiếu nại, đơn kiến nghị, đơn tố cáo… liên quan đến người tham gia bán hàng đa cấp (một số đơn có nhiều người đứng tên). Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp trong năm qua có dấu hiệu giảm mạnh so với các năm trước.

Các đơn thư nhận được chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và doanh nghiệp hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Đối với các đơn thư phản ánh, tố cáo dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Cục CT&BVNTD đã chuyển đơn đến cơ quan công an có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Điển hình như vụ án: Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty  đa cấp Thăng Long Group.

  Ngày 28/7/2020 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa vụ án  đa cấp, xảy ra tại tại Công ty Thăng Long Group với 1.600 bị hại ra xét xử .Theo cáo trạng, từ tháng 3/2015 đến tháng 8/2016, Quang chỉ đạo các đồng phạm tổ chức các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng, bốc thăm trúng thưởng… như câu lạc bộ triệu phú, khách hàng không cần mua hàng, chỉ cần nộp tiền kích hoạt mã số sẽ hưởng lợi để lừa đảo 36.000 người ở 32 tỉnh, thành, chiếm đoạt hơn 706 tỷ đồng.

Sau một tuần xét xử và nghị án, chiều 4/8/2020, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 8 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Lê Văn Quang cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Thăng Long Group mức án chung thân, Phạm Ngọc Tuân và Vũ Đình Hùng cùng lĩnh án 19 năm tù; Nguyễn Hồng Thái 14 năm tù, Các bị cáo Nguyễn Thành Nam, Đỗ Văn, Huỳnh Trọng Nghĩa cùng lĩnh án 15 năm tù và Hoàng Hải Yến 9 năm tù.

Ngoài ra còn nhiều vụ án hình sự khác liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính hoặc lừa đảo thông qua sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp đã được cơ quan điều tra phối hợp cùng các cơ quan có liên  quan để kịp thời xử lý như:“đường dây lừa đảo MB24”, Chương trình “Trái tim Việt Nam”, Công ty cổ phần Liên Kết Việt…

Một số hạn chế, bất cập

Bên cạnh những thành công đạt được trong thực hiện pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp vẫn còn tồn tại một số tồn tại, hạn chế như sau:

Thứ nhất, Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn lỏng lẻo.

Thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động của bán hàng đa cấp đang bị buông lỏng quản lý, đội ngũ cán bộ quản lý chưa thật sự sát sao, thanh tra, kiểm tra việc hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Chẳng hạn: tổ chức hội nghị, sự kiện, quảng cáo, khuyến mại… đều không báo cáo cơ quan quản lý, cho đến khi sự việc bị vỡ lở thì cơ quan quản lý mới biết. Công tác thanh tra, kiểm tra phương thức bán hàng đa cấp vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, không sát sao, thường xuyên, chỉ diễn ra khi có đơn tố cáo, khiếu nại của người dân. Đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra còn quá mỏng, năng lực cán bộ hạn chế, chưa theo kịp với sự biến hình quá nhanh và tinh vi của các hành vi bán hàng đa cấp bất chính.

Thứ hai, tình hình vi phạm pháp luật bán hàng đa cấp diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp.

Hoạt động đa cấp đang ngày càng lan rộng, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi hiện nay đang xuất hiện nhiều loại hình đa cấp khác, như kêu gọi vốn đầu tư với đối tượng không phải là hàng hóa. Cụ thể như đầu tư tiền vào các dự án tài chính, khóa học, ví điện tử… đây là hình thức đầu tư đa cấp nhưng không mua bán hàng hóa thực sự, sử dụng công nghệ số, thương mại điện tử. Nhiều hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép (không đăng ký hoạt động chính thống) cũng có xu hướng phát triển, đặc biệt là các hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động tài chính sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp trong khi Bộ Công Thương không có thẩm quyền quản lý các đối tượng này.

Đầu năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây lừa đảo đầu tư tài chính lớn. Nhóm đối tượng gồm người nước ngoài câu kết với các đối tượng trong nước dùng thủ đoạn thành lập văn phòng "ma" mạo danh đại diện Tập đoàn tài chính nước ngoài, đưa ra các gói đầu tư tài chính lãi suất cao để dụ dỗ người dân. Sau khi thu được một khoản tiền lớn, các đối tượng người nước ngoài lập tức “cao chạy xa bay”, "ôm tiền" về nước…Cơ quan điều tra đã điều tra sự việc, khởi tố nhóm đối tượng gồm Đoàn Văn Đạt (sinh năm 1979, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Wu Run Hua (sinh năm 1987, quốc tịch Trung Quốc) và Yeo Alex Siak Chuan tức Anson Yang (sinh năm 1979, quốc tịch Singapore). Trong đó Wu Run Hua và Anson Yang bị truy nã quốc tế.

Thời gian gần đây, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận thấy xuất hiện rất nhiều mô hình, dự án được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “sàn thương mại điện tử tràn tầng” hay “đa cấp thời đại 4.0” qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, TelegramX…) như là “sân chơi” của những “bạn trẻ khởi nghiệp” của những “doanh nhân” muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua dạng mô hình tiếp thị liên kết.

Qua rà soát các nội dung được giới thiệu trên các phương tiện Internet, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, mô hình hoạt động này có dấu hiệu lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp trái phép. Có thể kể đến các địa chỉ website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io … đang mời gọi người tham gia kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn. Tuy nhiên các nội dung giới thiệu trên, Cục CT&BVNTD đánh giá các mô hình hoạt động của các Dự án nêu trên có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp.

Thứ ba, việc tuyên truyền, phổ biến, theo dõi sát sao các hành vi bán hàng đa cấp theo phạm vi mình quản lý còn yếu và vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Điều này khiến cho có nhiều thông tin sai lệch về bán hàng đa cấp tại địa phương, người dân không có nguồn tin chính thống. Việc công khai thông tin trên các trang website của các Sở Công thương rất ít, đặc biệt là thông tin về quản lý bán hàng đa cấp trên địa bàn, chưa thống kê được chính xác cũng như chưa có thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hiện đang hoạt động, số lượng người tham gia, các buổi hội thảo hay đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người dân về những cách thức và những loại hình lừa đảo của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập

Những hạn chế đã được nêu trên trong quá trình thực thi pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về mặt pháp luật

–  Hệ thống chính sách pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp của nước ta tuy đã được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong thực tế.

– Một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp thuộc thẩm quyền địa phương ban hành còn chậm, nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc thực hiện công tác quản lý về quản lý bán hàng đa cấp.

– Vẫn còn tồn tại sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật điều chỉnh, quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

– Quy định mức xử phạt đưa ra chưa đủ mức răn đe các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật bán hàng đa cấp.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm còn khá thấp so với mức độ thiệt hại mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp gây ra cho người bị thiệt hại và cho xã hội. Thiết nghĩ, các nhà làm luật nên nâng cao mức xử phạt vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động bán hàng đa cấp nhằm răn đe, giáo dục người vi phạm tránh tình trạng chấp nhận chịu phạt để thực hiện hành vi vi phạm.

  • Vai trò của các quy tắc ứng xử trong kinh doanh đa cấp ở Việt Nam chưa được xem trọng, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm pháp luật.

Thứ hai, về phía Cơ quan quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

– Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong quản lý bán hàng đa cấp còn nặng về giải quyết sự vụ, chưa chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện trọng tâm, trọng điểm, chưa xác định được các khâu then chốt để có biện pháp quản lý hiệu quả.

  – Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, thi hành công vụ của công chức và cơ quan hành chính chưa chặt chẽ. Thiếu kiểm tra, đánh giá của cơ quan chuyên môn cấp trên.

–  Công tác cán bộ còn thiếu và yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp vẫn còn yếu và thiếu so với yêu cầu; trình độ quản lý, năng lực chuyên môn còn hạn chế. Một số bộ phận cán bộ công chức năng lực, đạo đức chưa đáp ứng được nhu cầu công việc nhưng khó thay thế. Chế độ lương thưởng chưa thực sự là công cụ khuyến khích công chức nhiệt tình làm việc.

Ở các Sở Công Thương, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thường chỉ giao cho một hoặc hai cán bộ kiêm nhiệm bên cạnh các công tác khác. Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực là một trong những khó khăn lớn nhất đối với cơ quan quản lý, có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công tác quản lý.

– Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa tốt, pháp luật về bán hàng đa cấp chưa thật sự đi vào cuộc sống.

– Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý hoạt động bán hàng đa cấp còn thiếu và yếu. Hiện nay, hầu hết các sở công thương vẫn chưa có trang web riêng để thực hiện hoạt động quản lý bán hàng đa cấp trực tuyến, nếu có thì nội dung cũng hạn chế chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn. 

– Công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về quản lý bán hàng đa cấp chưa được chú trọng và chưa tiến hành thường xuyên.

Thứ  ba, từ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam bên cạnh số ít những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì phần lớn đã không tuân theo các quy định của Nhà nước. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp không tuân thủ quy chuẩn đạo đức kinh doanh, biến tướng, làm ăn phi pháp, chạy theo giá trị của đồng tiền, làm sai lệch bản chất của hoạt động bán hàng đa cấp chân chính. Họ tìm mọi cách lách luật, tìm mọi cách lôi kéo khách hàng, người tham gia, sử dụng giấy đăng kí kinh doanh giả, hay lợi dụng hình ảnh tên tuổi của một số người để trục lợi…Họ đã đánh vào lòng tham, muốn làm giàu nhanh chóng hay lợi dụng những người kém hiểu biết, những người có tiền nhàn rỗi… Họ đưa ra những thông tin sai lệch về sản phẩm, thổi phồng xuất xứ, công dụng, giá, cách thức trả thưởng, có hoa hồng không phải bằng cách bán hàng mà bằng việc lôi kéo thêm người vào mạng lưới.

Thứ tư, từ phía người tham gia bán hàng đa cấp, người tiêu dùng

Hiểu biết về phương thức bán hàng đa cấp ở Việt Nam của người tham gia, người tiêu dùng còn thấp. Đây là phương thức bán lẻ hàng hóa được du nhập từ nước ngoài, cách thức bán hàng mới, các loại hàng hóa được bán cũng khá mới nên nhiều người dân vẫn chưa hiểu thực sự bản chất của loại hình kinh doanh này, do đó rất tin tưởng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp về cách thức tham gia, thông tin của sản phẩm, hình thức thanh toán hoa hồng… mà bỏ qua những tuyên truyền, cảnh báo cùng những văn bản hướng dẫn thực thi quy định chính sách, pháp luật của Nhà nước, đến khi thiệt hại xảy ra thì mới tìm cơ quan quản lý để khiếu nại, kiện tụng.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ