Nền tảng gọi xe trực tuyến, một thành tựu đột phá được sinh ra từ cuộc cách mạng 4.0 với những ưu điểm không thể phủ nhận đã làm thay đổi diện mạo ngành kinh doanh vận tải, đồng thời, tạo nên sức ép lớn với dịch vụ taxi truyền thống. Sự du nhập của các “kỳ lân” Đông Nam Á như Grab hay Gojek vào Việt Nam đã làm bộc lộ những hạn chế bấy lâu nay của taxi truyền thống. Hụt hơi trong cuộc đua “đốt tiền”, sự nhỏ lẻ, phân tán trong hoạt động kinh doanh đã khiến cho nhiều ứng dụng gọi xe mới gia nhập thị trường phải nhanh chóng rút lui hoặc chỉ cầm cự mà không thể chiếm lĩnh được thị trường.
Khi đề cập về thực trạng cạnh tranh trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến, có thể mô tả đây là cuộc cạnh tranh “khốc liệt” về tài chính và chiến lược xây dựng hệ sinh thái số.
1. Cạnh tranh về tài chính
Sự cạnh tranh về giá và tài chính trên thị trường gọi xe trực tuyến được ví như cuộc đua “đốt tiền” vô cùng khốc liệt giữa các nền tảng lớn, khi các nền tảng này liên tục “chạy” các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, thưởng cho tài xế nhằm xây dựng và mở rộng mạng lưới, tìm cách huy động, gọi vốn từ các nhà đầu tư “khủng”, trong khi vẫn liên tục báo lỗ kinh doanh.
a. Từ đua nhau gọi vốn
Grab
Là một công ty công nghệ có trụ sở chính tại Singapore, Grab cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại, dịch vụ thanh toán điện tử, giao đồ ăn… tại 08 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Kể từ khi thành lập vào năm 2012 và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014, đến nay, Grab đã liên tục gọi được các nguồn vốn lớn, lên tới hàng tỷ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư có tên tuổi trên thế giới.
Điển hình, tháng 7 năm 2017, Grab công bố đã huy động thành công 2 tỷ đô la Mỹ từ Didi Chuxing (Didi) – nền tảng ứng dụng gọi xe hàng đầu thế giới và SoftBank Group Corp. (SoftBank) – tập đoàn viễn thông hàng đầu toàn cầu với kỳ vọng tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu thị trường gọi xe Đông Nam Á (Grab nắm giữ 95% thị phần dịch vụ đặt xe taxi và 71% thị phần dịch vụ đặt xe cá nhân tại Đông Nam Á thời điểm 2017) và đầu tư vào GrabPay – giải pháp thanh toán di động độc quyền của Grab[1] (Grab, 2017).
Tháng 6 năm 2018, Grab tiếp tục công bố đã đạt được thỏa thuận với Toyota Motor Corporation (Toyota), theo đó, Toyota sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào Grab, trở thành nhà đầu tư chính trong vòng gọi vốn của Grab thời điểm đó. Theo thỏa thuận, Grab và Toyota sẽ củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác hiện tại của hai bên trên lĩnh vực xe kết nối công nghệ (connected cars) để thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp di động khắp Đông Nam Á. Khoản đầu tư của Toyota là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên quy mô toàn cầu từ một doanh nghiệp sản xuất ôtô vào lĩnh vực đặt xe công nghệ, và đưa Grab tiến gần hơn đến tầm nhìn trở thành nền tảng di động một điểm đến (one-stop) tại Đông Nam Á[2] (Grab, 2018). Cùng với Toyota, các công ty tài chính hàng đầu thế giới, bao gồm OppenheimerFunds, Ping An Capital, Mirae Asset – Naver Asia Growth Fund, Cinda Sino-Rock Investment Management Company, All-Stars Investment, Vulcan Capital, Lightspeed Venture Partners, Macquarie Capital và các nhà đầu tư khác cũng đã tham gia vào vòng gọi vốn năm 2018 của Grab, bổ sung thêm nguồn vốn tổng cộng 2 tỷ đô la Mỹ cho Grab vào thời điểm này[3] (Grab, 2018).
Ngày 06 tháng 03 năm 2019, Grab công bố đã nhận thêm 1,46 tỉ USD từ Quỹ Vision của SoftBank (SoftBank Vision Fund – SVF). Khoản vốn tăng thêm từ SVF nâng tổng số vốn huy động được trong vòng gọi vốn Series H của Grab lên tới hơn 4,5 tỉ USD. Các nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn này gồm có Toyota Motor Corporation, Oppenheimer Funds, Hyundai Motor Group, Booking Holdings, Microsoft Corporation, Ping An Capital và Yamaha Motor[4] (Grab, 2019).
Theo số liệu của DealStreetAsia, Grab cũng đã huy động được thêm 675 triệu đô la Mỹ trước khi niêm yết công khai (IPO) tại Mỹ vào tháng 12 năm 2021.
Thành quả từ việc huy động vốn là việc Grab đã mua lại thành công toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á vào tháng 3 năm 2018. Tại Việt Nam, sau khi Uber rút khỏi thị trường, cuối tháng 8 năm 2019, Grab công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số và đặt mục tiêu mở rộng thị trường tại khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Grab đã áp đảo thị trường gọi xe công nghệ khi hoàn thành 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần (VietTimes, 2020). Năm 2020, theo số liệu của ABI Research, Grab nắm giữ tới 74,6% thị phần tại thị trường Việt Nam.
Gojek
Ứng dụng Gojek đã ra mắt vào đầu năm 2015 tại thị trường Indonesia, cung cấp 3 dịch vụ đặt xe máy (GoRide), dịch vụ giao hàng (GoSend) và dịch vụ đi mua sắm hộ (GoMart). Đến nay, Gojek đã chính thức trở thành "siêu ứng dụng", với hơn 20 dịch vụ tiện ích đã và đang kết nối hơn 170 triệu người dùng với hơn 2 triệu đối tác tài xế và 500.000 đối tác nhà hàng[5], có mặt tại 05 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Gojek đến với thị trường Việt Nam vào năm 2018 với tên gọi GoViet. Từ năm 2020, GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek. Theo giới thiệu trên trang chủ, Gojek đã kết nối hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 đối tác nhà hàng với hàng triệu người dùng Việt qua 3 dịch vụ đặt xe (GoRide), đặt món (GoFood), và đặt giao hàng (GoSend)[6]. Gojek cũng đang không ngừng thử nghiệm để mang tới nhiều dịch vụ đa dạng hơn nữa cho thị trường Việt Nam, trong đó, có dịch vụ GoCar mới được ra mắt vào tháng 11 năm 2021.
Trong hành trình trở thành một kỳ lân khởi nghiệp ở Đông Nam Á, cũng giống như đối thủ cạnh tranh Grab, Gojek đã huy động thành công nguồn vốn đầu từ NSI Ventures (nay là Openspace Ventures), quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Northstar Group[7] vào năm 2014 từ những vòng gọi vốn đầu tiên, từ Sequoia India[8] và quỹ đầu tư tư nhân của Northstar[9] vào năm 2015.
Sau khi kết thúc vòng gọi vốn vào tháng 8 năm 2016 với số tiền lên tới 550 triệu đô la[10], hai công ty lớn nhất của Indonesia là Astra International[11] và Blibli.com[12] đã đầu tư vào Gojek. Các nhà đầu tư quốc tế của Gojek bao gồm những gã khổng lồ công nghệ như Google[13] của Mỹ và Tencent[14] của Trung Quốc, cùng với công ty đầu tư toàn cầu Temasek[15].
Vào tháng 1 năm 2019, Gojek đã đóng một vòng tài trợ khác trị giá 2 tỷ đô la, nâng tổng giá trị của công ty này đạt 9,5 tỷ đô la Mỹ[16].
Vào tháng 3 năm 2020, Gojek thông báo họ đã nhận được 1,2 tỷ đô la Mỹ cho vòng gọi vốn Series F của mình[17]. Vào tháng 6 năm 2020, nền tảng nhắn tin WhatsApp và PayPal của Facebook thông báo họ đã đầu tư vào Gojek như một phần của vòng gọi vốn đang diễn ra. Quy mô và bản chất của các khoản đầu tư không được tiết lộ, nhưng chúng được mô tả là “có ý nghĩa”[18].
Ngoài việc huy động vốn, Gojek cũng tìm kiếm sức mạnh thị trường thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập. Vào ngày 17 tháng 5 năm 2021, Gojek và Tokopedia đã xác nhận việc hợp nhất để thành lập một tập đoàn mới, có tên gọi GoTo[19]. Việc thành lập GoTo sẽ đưa thương hiệu này trở thành một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Đông Nam Á. Tổng khối lượng giao dịch của GoTo (GTV) đạt trên 1,8 tỷ giao dịch với giá trị hơn 22 tỷ đô la vào năm 2020[20].
Be Group
Be là ứng dụng gọi xe công nghệ được phát triển bởi Công ty Cổ phần Be Group – một công ty công nghệ khởi nghiệp của Việt Nam.
Be Group được thành lập ngày 11 tháng 5 năm 2018 với số vốn điều lệ chỉ 200 triệu đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Ngọc Bảo Lâm (nắm giữ 50% vốn điều lệ), ông Bùi Huy Hướng (nắm giữ 25% vốn điều lệ) và ông Hà Anh Tuấn (nắm giữ 25% vốn điều lệ). Tính đến ngày 24 tháng 2 năm 2020, Be Group có vốn điều lệ 755,89 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông thời điểm này không được tiết lộ.
Ứng dụng be bắt đầu được ra mắt vào ngày 13 tháng 12 năm 2018 tại Hà Nội và TP. HCM với 2 dịch vụ chính là beBike và beCar, và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17 tháng 12 năm 2018. Sau 1 năm ra mắt, be đã có mặt tại 10 tỉnh thành và cung cấp tổng cộng 5 dịch vụ cho khách hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, ứng dụng be đã được tải xuống trên 5,5 triệu thiết bị di động, hoàn thành khoảng 38 triệu chuyến xe (beBike và beCar) và thu về hơn 16% thị phần (VietTimes, 2020).
Tương tự như các ứng dụng gọi xe trực tuyến lớn khác, Be cũng được hậu thuẫn bởi một trong các tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam[21]. Theo thông tin của VietTimes, be là ứng dụng được đầu tư và hợp tác từ các đối tác chiến lược là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VBBank) và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Opes (VietTimes, 2020).
b. Đến liên tục báo lỗ
Với tiềm lực công nghệ và nguồn vốn đầu tư dồi dào, các kỳ lân công nghệ như Grab, Gojek hay Be không ngần ngại tặng thưởng, khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng vào mạng lưới của mình.
Điển hình, trong năm 2019, khách hàng khi nạp tiền qua ví điện tử GrabPay by Moca được tiết kiệm đến 30%, đồng thời ưu đãi tặng thêm một chuyến GrabCar 40.000 đồng. Ngoài ra, Grab còn tặng mã giảm giá 50.000 đồng/chuyến cho khách lần đầu thanh toán qua thẻ. Sau đó, khách còn được tặng thêm gói ưu đãi 360.000 đồng gồm: 3 chuyến GrabCar, 3 chuyến GrabBike, 3 chuyến GrabExpress, 3 chuyến GrabFood, mỗi chuyến trị giá 30.000 đồng. Bên cạnh đó, Grab còn thường xuyên tung ra nhiều mã khuyến mãi ngẫu nhiên với mức giảm 15.000 – 30.000 đồng cho 10 chuyến[22] (Báo Người lao động, 2019). Năm 2020, dù đã qua “giai đoạn đầu” thu hút khách hàng, nhưng Grab vẫn “mạnh tay chi tiền” cho những khuyến mãi khủng. Cụ thể, trong dịp cuối năm, Grab đã tung khuyến mãi đồng giá 9k (9.000 đồng/cuốc xe), áp dụng cho GrabCar khi người dùng di chuyển đến quận trung tâm (của TP. Hồ Chí Minh), cùng hàng loạt ưu đãi đồng giá 9k cho các dịch vụ khác. Trước đó và gần như là mỗi ngày, ứng dụng này cũng “chăm chỉ” tặng khách hàng khuyến mãi liên tục[23] (Vietnamnet, 2020).
Để chứng minh tiềm lực tài chính không thua kém bất kỳ đối thủ nào, ngay tại thời điểm mới ra mắt dịch vụ GoBike tại Hà Nội, Go-Viet (nay đổi tên là Gojek) đã tung ra một chương trình khuyến mãi vô cùng hấp dẫn: đối với những chuyến đi dưới 6km tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa và Thanh Xuân sẽ chỉ phải trả số tiền là 1.000 đồng. Mức giá này của Go-Viet được xem là "chưa có tiền lệ" trong thị trường xe ôm tại Việt Nam. Trước đó, khi ra mắt tại TP HCM, Go-Viet cũng đã liên tiếp triển khai các chương trình khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng hay 9.000 đồng cho một chuyến xe ôm dưới 8 km[24] (Diễn đàn Doanh nghiệp, 2018). Hay tại thời điểm tháng 3 năm 2019, Go-Viet đã tung ra hàng loạt khuyến mãi cho khách hàng như tặng mã giảm 50% cước, giảm cước theo mỗi chuyến từ 5.000-10.000 đồng/chuyến. Hoặc miễn phí 3 chuyến cho khách, tối đa 15.000 đồng/chuyến cho khách mới đăng ký lần đầu[25] (Báo Người lao động, 2019).
Ra mắt tháng 12 năm 2018, không chịu thua kém các đối thủ, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 3 năm 2019, Be có 6 lần tặng mã ưu đãi cho khách sử dụng dịch vụ cả Bebike (xe ôm) lẫn BeCar (ôtô), như giảm 40% cho 20 chuyến BeCar (tối đa 25.000 đồng/chuyến); ưu đãi 50% cho 14 chuyến Bebike (tối đa 12.000 đồng/chuyến) hay ưu đãi 30% cho 7 chuyến BeCar 7 chỗ (tối đa 15.000 đồng/chuyến)[26]… (Báo Người lao động, 2019).
Chính bởi “chơi khô máu” trong các cuộc đua “đốt tiền”, nên các nền tảng gọi xe lớn đều có kết quả kinh doanh “lỗ” trong những năm qua, mà trong đó, số “lỗ” của năm sau lại lớn hơn so với năm trước.
Grab
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, song song với sự tăng trưởng về số lượng người dùng, doanh thu của Grab trong giai đoạn 2016 – 2019 cũng tăng trưởng mạnh sau mỗi năm. Riêng năm 2019, doanh thu thuần của Grab đạt 3.382,48 tỷ đồng, gấp 18 lần so với năm 2016.
Tuy nhiên, trong 4 năm gần đây Grab chưa hề báo lãi, thậm chí là lỗ nặng và mức lỗ thuần mỗi năm một sâu thêm. Như năm 2016 và 2017, mức lỗ thuần của Grab lần lượt là 444,74 tỷ đồng và 788,9 tỷ đồng.
Năm 2019, Grab có lỗ thuần ở mức 1.696,7 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm trước (năm 2018 lỗ thuần 884,8 tỷ đồng).
Hình 1. Kết quả kinh doanh của Grab giai đoạn 2016 – 2019
Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: VietTimes
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng tài sản của Grab tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Grab đạt 2.696,7 tỷ đồng, gấp 33,5 lần so với năm 2016.
Đồng thời, do khoản lỗ lũy kế lớn, vốn chủ sở hữu của Grab trong 4 năm trở lại đây luôn trong tình trạng âm và càng âm sâu thêm qua các năm. Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Grab ở mức âm 4.288,77 tỷ đồng.
Hình 2. Một số chỉ tiêu tài chính của Grab giai đoạn 2016 – 2019
Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: VietTimes
Gojek
Hình 3. Một số chỉ tiêu tài chính của GoViet (Gojek) các năm 2018, 2019
Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: VietTimes
Giống với Grab, Gojek cũng không tránh khỏi tình trạng thua lỗ để tranh giành thị phần. Năm 2019, GoViet báo lỗ thuần ở mức 1.681,7 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với năm trước (năm 2018 lỗ thuần 549,26 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của GoViet đạt 368,64 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ âm 547,26 tỷ đồng xuống mức âm 2.228,9 tỷ đồng.
Be Group
Hình 4. Một số chỉ tiêu tài chính của Be Group các năm 2018, 2019
Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: VietTimes
Cũng giống với 2 hãng xe công nghệ “ngoại” kể trên, Be Group cũng có kết quả kinh doanh thua lỗ để cạnh tranh thị phần. Năm 2019, doanh thu thuần của Be Group đạt 456,2 tỷ đồng, lỗ thuần ở mức 1.502,3 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Be Group đạt 272,45 tỷ đồng, tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ 17,21 tỷ đồng xuống âm 440,96 tỷ đồng.
Thị trường xe công nghệ tại Việt Nam đang là “miếng bánh” khổng lồ được nhiều ông lớn nhắm đến. Việc Grab, GoViet và Be Group đều báo lỗ trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu dừng lại cho thấy cuộc đua thị phần vẫn là mục tiêu được các hãng xe này nhắm đến
2. Cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, tăng cường trải nghiệm, tiện ích
Trên thực tế, giá cả, khuyến mãi vẫn chưa phải là yếu tố để khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ gọi xe lâu dài. Nhiều người sẵn sàng gỡ bỏ ứng dụng vì nhiều lý do. Lý do thường gặp nhất là khó đặt xe, tài xế đến chậm… (Vietnamnet, 2020).
Thời gian đặt xe thành công là một trong những tiêu chí quyết định đến lựa chọn của khách hàng. Muốn đáp ứng nhanh yêu cầu của khách phải có lượng xe lớn. Trên thị trường, Grab, Go-Viet, Be tạm thời là những doanh nghiệp sở hữu số lượng đối tác tài xế đáng kể. FastGo, Vato, thậm chí MyGo gần đây đều vào cuộc với các tuyên bố khá ầm ĩ nhưng thực tế gần như khó lòng mà bắt được xe với các ứng dụng này dù ở trung tâm thành phố. Nếu tính trên số đầu xe, độ phủ và mức độ sẵn sàng của tài xế thì Grab vẫn đang là đối thủ đáng gờm khi sở hữu lực lượng đối tác tài xế có thể nói là đông nhất thị trường.
Mặt khác, các số liệu thống kê từ nghiên cứu của ABI Research năm 2020 cho thấy, trong 200 triệu chuyến xe hoàn thành thông qua các ứng dụng tại Việt Nam (6 tháng đầu năm 2019) thì Grab áp đảo với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần. Thứ hai là Be, 31 triệu cuốc xe. Thứ ba là Go-Viet, với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần. 1% còn lại thuộc về FastGo và các ứng dụng khác (Vietnamnet, 2020).
Để giữ chân khách hàng, các nền tảng cũng cạnh tranh bằng cách mang đến cho người dùng những trải nghiệm tốt hơn. Chỉ cần ứng dụng không “mượt mà”, thái độ tài xế không niềm nở, chính sách chăm sóc khách hàng không thoả đáng…, ứng dụng có thể mất khách (Vietnamnet, 2020).
Quay trở lại với cuộc cạnh tranh của 3 ứng dụng đặt xe chiếm lĩnh thị trường hiện nay, gồm Grab, Be và Go-Viet, thì Grab đã phát triển được một hệ sinh thái dịch vụ đa dạng. Người dùng Grab có thể trải nghiệm các dịch vụ liền mạch như thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab, tích điểm thưởng qua GrabRewards để hưởng nhiều ưu đãi như ăn uống, giải trí, mua sắm… (Vietnamnet, 2020).
Trong khi đó, Go-Viet cũng đang tập trung đẩy mạnh dịch vụ giao đồ ăn và giao hàng. Tháng 11 năm 2021, Go-Viet đã ra mắt thêm dịch vụ gọi xe ô tô bốn bánh GoCar nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Be cũng không kém cạnh khi dù là kẻ đến sau nhưng đã có trong tay dịch vụ đặt xe 4 bánh, cũng như mới ra mắt beLoyalty nhằm cạnh tranh với GrabRewards của Grab… (Vietnamnet, 2020).
Bên cạnh đó, tận dụng thời gian dịch bệnh COVID-19, Be đã phát triển thêm một nhóm các tính năng mới, bao gồm lựa chọn nhiều điểm dừng, thay đổi điểm đến và đặt xe hộ. Với tính năng đa điểm dừng, khách hàng có thể đặt liền lúc hai điểm dừng trong cùng một cuốc xe. Sau khi kết thúc chặng thứ nhất, tài xế sẽ đợi (trong một khoảng thời gian nhất định) trước khi thực hiện nốt chặng còn lại. Tính năng thay đổi điểm đến giúp khách hàng có thể thay đổi địa điểm kết thúc chuyến xe khi tài xế đang thực hiện cuốc. Nó giúp khách hàng gặp vấn đề khẩn cấp có thể thay đổi lộ trình ngay lập tức. Bên cạnh những tính năng mới, Be tiếp tục phát triển mảng thanh toán bằng cách liên kết với ví điện tử Momo. Trước đây, Be đưa ra tùy chọn thanh toán bằng ví điện tử SmartPay hoặc tiền mặt. Kết hợp với Momo giúp khách hàng có thêm lựa chọn bởi Momo là một trong những ví điện tử phổ biến hàng đầu tại thị trường Việt Nam (Vietnambiz, 2020).
3. Cạnh tranh trong việc mở rộng hệ sinh thái số
Sau một thời gian các nền tảng gọi xe trực tuyến kinh doanh tại thị trường Việt Nam, điều dễ nhận thấy nhất là thói quen của đa số người dùng đã thay đổi. Đây cũng chính là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp này đưa người dùng vào trong hệ sinh thái của họ một cách đơn giản nhất. Sự dịch chuyển chiến lược kinh doanh của các ứng dụng gọi xe trong thời gian qua là rất nhanh và hầu hết đều hướng đến việc tích hợp dịch vụ thanh toán điện tử (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 2020).
Khi đã xây dựng xong đội ngũ tài xế và số lượng khách hàng dùng ứng dụng đủ lớn, những doanh nghiệp này sẽ chiếm lợi thế lớn khi cạnh tranh với những đối thủ truyền thống trong ngành. Cả Grab, Gojek, Be hay các ứng dụng gọi xe tương tự đều hướng việc khai thác tối đa giá trị dưới nền tảng của một “siêu ứng dụng” (super app).
Ban đầu, những mảng kinh doanh mà các hãng gọi xe hướng tới là đặt đồ ăn, thức uống hoặc giao hàng. Với một số nền tảng có quy mô lớn, thậm chí họ sẵn sàng nhảy vào các mảng nhiều thách thức hơn như câu chuyện của Grab làm ngân hàng số và thương mại điện tử (Sài Gòn Tiếp thị Online, 2021).
Grab
Grab khi mới gia nhập thị trường Việt Nam chỉ mới khai thác các dịch vụ gọi xe taxi (GrabTaxi), gọi xe ôm (GrabBike) và gọi xe ô tô (GrabCar), nhưng đến nay, Grab đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái số với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng như dịch vụ giao nhận đồ ăn (GrabFood); dịch vụ giao hàng (GrabExpress), dịch vụ đi siêu thị hộ (GrabMart); thanh toán trực tuyến, bảo hiểm, du lịch, thanh toán hóa đơn…
Kể từ cuối năm 2018, Grab đã đã tích hợp chức năng thanh toán vào ứng dụng với tên gọi là ví điện tử Moca và hiện đã có độ phủ khá rộng. Thậm chí, Grab cũng đã có kế hoạch phát triển việc thanh toán lên một cấp độ khác là mở sàn thương mại điện tử hay xin phép mở cả ngân hàng số (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 2020).
Gojek
Gia nhập thị trường Việt Nam, Gojek ban đầu cung cấp các dịch vụ gọi xe máy (GoRide), giao đồ ăn (GoFood) và chuyển phát nhanh (GoSend), nhưng đến nay, Gojek đã biến thành một siêu ứng dụng, cung cấp hơn 20 dịch vụ theo yêu cầu, bao gồm vận chuyển, thanh toán, giao đồ ăn… Tuy chậm chân một bước so với Grab trong việc xây dựng hệ sinh thái số, đặc biệt là kết nối thanh toán trực tuyến, nhưng Gojek đã chọn cách đua nước rút thông qua việc bắt tay với ông trùm thanh toán trực tuyến PayPal để triển khai ví điện tử thay vì tự phát triển (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 2020).
Năm 2020, Gojek công bố đã nhận đầu tư từ hàng loạt các công ty lớn trên thế giới, trong đó có Paypal. Theo ông Kevin Aluwi – đồng CEO của Gojek, “một phần của thỏa thuận thương mại là các tính năng thanh toán của PayPal sẽ được tích hợp vào các dịch vụ của Gojek, và hai công ty cũng sẽ hợp tác để cho phép khách hàng của GoPay – ví điện tử của Gojek – có quyền truy cập vào mạng lưới hơn 25 triệu đối tác nhà hàng của PayPal trên toàn thế giới” (Vietnambiz, 2020).
Tháng 5 năm 2021, hai “startup” (doanh nghiệp khởi nghiệp) hàng đầu Indonesia đã thông báo hợp nhất Gojek và Tokopedia (sàn thương mại điện tử lớn tại Indonesia) để tạo thành một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Đông Nam Á. Tập đoàn công nghệ này sẽ cung cấp mọi dịch vụ từ gọi xe, thanh toán kỹ thuật số đến thương mại điện tử. Thông qua sự hỗ trợ của các cổ đông gồm Google và Alibaba, Gojek và Tokopedia sẽ thành lập một liên doanh có tên GoTo Group. Tuy nhiên, hai startup vẫn tiếp tục cung cấp các dịch vụ của mình dưới tên thương hiệu hiện tại (VnExpress, 2021). Thương vụ hợp nhất này sẽ giúp Gojek mở rộng hệ sinh thái của mình để lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử bán lẻ.
Be Group và các nền tảng khác
Đầu năm 2020, Be cũng đã liên kết với ví điện tử SmartPay trong khi FastGo cũng có hỗ trợ thanh toán phi tiền mặt qua ví điện tử Vimo. Hay như các ứng dụng chuyên gọi món như Baemin, Now cũng có những tùy chọn khác ngoài thanh toán tiền mặt cho khách hàng (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 2020).
Năm 2021, Be Group đã bắt tay cùng với VPBank để xây dựng ngân hàng số Cake, với mong muốn tạo ra một trải nghiệm tài chính an toàn và dễ dàng cho người sử dụng dù ở bất kỳ đâu, thời điểm nào. Cake được phát triển và hoàn thiện bởi đội ngũ kỹ sư công nghệ trong nước và chính là bước đi quan trọng trong việc nâng cấp hệ sinh thái của ứng dụng Be trên con đường phấn đấu trở thành nền tảng số mở hàng đầu Việt Nam, góp phần mang đến những tiện ích vượt trội về mặt công nghệ tài chính cho khách hàng và tài xế (Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử, 2021).
Nhìn tổng quan thị trường thì mảng thanh toán được xem như một chiến lược trọng tâm để các dịch vụ xe công nghệ nước ngoài như Gojek, Grab hay nội địa như Be, FastGo kiện toàn hệ sinh thái trong các ứng dụng đa dịch vụ của họ (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 2020). Các ông lớn công nghệ cũng bắt đầu nắm được tâm lý người dùng để đầu tư vào nền tảng công nghệ tài chính (fintech) và gia nhập cuộc đua thanh toán thông qua các ứng dụng gọi xe.
Sàn thương mại điện tử vẫn là thị trường tiềm năng của các ví điện tử, nếu các ứng dụng gọi xe phát triển trở thành một ứng dụng đa dịch vụ và tích hợp các tiện ích này thì sẽ tối ưu hiệu quả khai thác. Trong xu thế này, không chỉ Grab mà các ứng dụng khác cũng bắt đầu manh nha việc triển khai các dịch vụ kết nối tương tự (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 2020).
Với dữ liệu khách hàng sẵn có, khi xét về đường dài thì hệ sinh thái thanh toán nào có tính tiện ích hơn thì chiếc ví điện tử của họ mới có thể phát huy ưu thế. Các ứng dụng gọi xe sẽ là không gian tốt cho việc triển khai các phương thức thanh toán một cách tối ưu. Tuy nhiên, sự tiến hóa của các siêu ứng dụng (app) không dừng lại ở việc phục vụ khách đặt hàng, thanh toán đa nền tảng mà còn cung cấp các giải pháp tài chính của một ngân hàng số (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 2020).