BVNTD

Thực trạng pháp luật quản lý bán hàng đa cấp ở Việt Nam (P1)

Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.

Trong Luật Đầu tư 2014 sửa đổi bổ sung năm 2016, cũng đề cập tại Phụ lục 4: Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện “64. Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp”. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư 2014 có đưa ra định nghĩa: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng

Điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Nội dung về điều kiện đăng ký hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp hiện nay được quy định tương đối đầy đủ và chi tiết tại Nghị định 40/2018/NĐ – CP, cụ thể, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện sau:

Một là, doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

Trên cơ sở nội dung của Luật Doanh nghiệp 2014 thì trước tiên, chủ thể bán hàng đa cấp phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức mô hình hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp được pháp luật quy định gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Như vậy, chỉ có doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam mới được đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp. Doanh nghiệp nước ngoài không thành lập công ty con ở Việt Nam, các tổ chức, cá nhân khác đều không được kinh doanh bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp nước ngoài đã và đang lấn sân vào thị trường Việt Nam và tác động đến người tham gia và người tiêu dùng Việt Nam, nhưng pháp luật lại chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và hoàn thiện cho đối tượng này tham gia vào quan hệ pháp luật bán hàng đa cấp thì rất có nguy cơ những người gánh chịu hậu quả là người dân Việt Nam.

Đồng thời, tại Nghị định 40/2018/NĐ – CP thì doanh nghiệp còn phải đáp ứng điều kiện là chưa từng bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

Đối với nội dung về vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là quy định được kế thừa từ Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Việc pháp luật đưa ra yêu cầu về vốn pháp định nhằm lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực tài chính ở một mức độ nhất định bảo đảm hiệu quả và ổn định của mạng lưới kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo thực tế hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đã có rất nhiều các doanh nghiệp đã hoạt động với mức vốn điều lệ rất nhỏ, chỉ khoảng từ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng. Do đặc thù của hoạt động bán hàng đa cấp nên việc phát triển mạng lưới lớn hay nhỏ đều phụ thuộc vào khả năng của những thành viên tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Doanh nghiệp đóng vai trò hỗ trợ công tác phát triển mạng lưới của các thành viên chủ chốt này như việc cung cấp tài liệu, ký hợp đồng với người tham gia mạng lưới, cung cấp địa điểm làm việc cho người tham gia mạng lưới, cung ứng hàng hóa cho hệ thống. Do đó, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp với năng lực tài chính hạn hẹp sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống, dẫn đến hạn chế trong quá trình phát triển mạng lưới cũng như bán hàng của người tham gia. Việc này sẽ khiến người tham gia rời bỏ mạng lưới, chuyển sang tham gia vào mạng lưới của các doanh nghiệp khác hoạt động hiệu quả hơn.

Với quy định như trên, vốn pháp định của doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ góp phần hạn chế rủi ro và khắc phục những hậu quả nếu doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia hệ thống, người có quyền lợi liên quan.

Hai là, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2018/NĐ-CP thì không được góp vốn thành lập, làm đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Từ quy định trên, có thể thấy rằng, hiện nay pháp luật đưa ra những điều kiện khá nghiêm ngặt liên quan đối với chủ thể góp vốn thành lập và đại diện pháp luật của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Thiết nghĩ đây là những quy định phù hợp, việc quy định như vậy sẽ góp phần hạn chế sự ra đời của những tổ chức không đáp ứng điều kiện hợp pháp.

Ba là, doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp phải thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam một khoản tiền bằng 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng.

Có thể nói, đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp. So với quy định cũ tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP quy định doanh nghiệp chỉ phải ký quỹ 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 1 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam thì Nghị định số 42/2014/NĐ-CP nâng tổng số tiền ký quỹ tối thiểu lên 5 tỷ đồng. Đến Nghị định số 40/2018/NĐ-CP thì số tiền ký quỹ yêu cầu tối thiểu là 10 tỷ đồng. Mức tối thiểu ký quỹ của doanh nghiệp được nâng lên bằng với quy định về vốn điều lệ đăng ký tối thiểu của doanh nghiệp.

Ký quỹ là một trong những biện pháp bảo đảm được quy định trong pháp luật dân sự. Theo quy định tại Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015, “ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên phải thực hiện nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng không đầy đủ nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ”

Mục đích của quy định về ký quỹ đối với doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp là để dự phòng trường hợp rủi ro khi doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh đa cấp, khoản tiền ký quỹ sẽ được dùng để chi trả tiền hoa hồng tiền thưởng hoặc để dùng cho khoản chi mua lại hàng hoá từ những người tham gia.

Như vậy, có thể thấy việc tăng định mức ký quỹ lên gấp đôi (không thấp hơn 10 tỷ đồng) đã phần nào gia tăng được sự cam kết về trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đối với người tham gia bán hàng và cơ quan quản lý trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chính quy định này đã tạo ra một rào cản đối với các doanh nghiệp khi muốn gia nhập vào thị trường bán hàng đa cấp và cũng không đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng bởi khoản tiền ký quỹ với mục đích chính là để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước  khi doanh nghiệp này chấm dứt hoạt động.

Bên cạnh, quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp về việc thực hiện thủ tục nộp, rút tiền ký quỹ thì Thông tư 29/2018/TT-NHNN hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành còn quy định trách nhiệm của ngân hàng và cơ quan liên quan đến việc ký quỹ. Quy định trên cho, thấy pháp luật quản lý bán hàng đa cấp đã tiến một bước trong việc minh bạch hóa hoạt động ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Bốn là, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch.

Trong những điều kiện liên quan đến tổ chức hoạt động tổ chức của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia mạng lưới và cho các khách hàng của doanh nghiệp, quy định về hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là một trong những quy định có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP, hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải bảo đảm được những nội dung bắt buộc tối thiểu theo quy định và phải có mẫu hợp đồng đăng ký với cơ quan nhà nước.

Về bản chất, hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là một hợp đồng dân sự nên sẽ bảo đảm các nguyên tắc chung của giao dịch dân sự bao gồm nguyên tắc tự thoả thuận nghĩa là các bên được quyền tự do thoả thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động bán hàng đa  cấp là hoạt động kinh doanh theo mạng lưới nhân rộng hoạt động này thường dễ bị các tổ chức, cá nhân xấu lợi dụng dưới danh nghĩa mô hình này để hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính bằng cách thoả thuận những điều khoản trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội hoặc gây bất lợi cho người tham gia, cho nên sự tự do cam kết, thoả thuận của đối với hợp đồng bán hàng đa cấp có giới hạn của nó, phải bảo đảm những nội dung nhất định trong hợp đồng mẫu doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, pháp luật quản lý bán hàng đa cấp cũng quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch phù hợp với phụ lục 1 thông tư 10/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Năm là, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp phải được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam. Bao gồm các thông tin cơ bản về người tham gia bán hàng đa cấp như sau: Thông tin cơ bản về người tham gia bán hàng đa cấp; thông tin về hợp đồng bán hàng đa cấp; thông tin về lịch sử mua hàng của người tham gia bán hàng đa cấp.

Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp phải có những nội dung cơ bản sau: Các tài liệu về hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; thông tin về hàng hóa kinh doanh theo phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp; thông tin về doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp; Thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm: Số điện thoại, thư điện tử, địa chỉ tiếp nhận.

Đây là quy định mới, trước đây chưa từng tồn tại trong các văn bản pháp lý liên quan tới quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Các quy định trên, thể hiện sự tăng cường công tác quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời, công khai minh bạch thông tin của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Như vậy, khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp muốn thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện ở trên. Việc pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp đặt ra các điều kiện này là xuất phát từ việc phương thức bán hàng đa cấp là phương thức rất dễ bị lợi dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội. Cho dù những điều kiện này là sẽ tạo ra những rào cản lớn cho những doanh nghiệp muốn kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng nhà nước phải đặt lợi ích của người tiêu dùng, người tham gia, trật tự an toàn xã hội, của an ninh quốc gia lên hàng đầu, có như vậy môi trường kinh doanh mới ổn định được.

Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo quy định tại nghị định 40/2018/NĐ – CP thì thủ tục đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp bao gồm các thủ tục sau:

Thứ nhất, lập và nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ – CP thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Bộ Công thương cụ thể là phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại Điều 9, Nghị định 40/2018/NĐ – CP bao gồm các tài liệu sau đây:

  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương (01 bản sao);
  • 01 bản danh sách kèm theo bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp lệ;
  • Bộ tài liệu liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp (02 bản);
  • Bản danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp; Văn bản xác nhận ký quỹ  (01 bản chính);
  • Tài liệu giải trình kỹ thuật về hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp.Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Thứ hai, Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (theo sơ đồ sau đây)

Có thể thấy rằng, việc quy định về trình tự thực hiện thủ tục đăng ký bán hàng đa cấp nhằm giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định được năng lực của các doanh nghiệp có nhu cầu bán hàng đa cấp, đảm bảo các doanh nghiệp này, đáp ứng được các điều kiện của luật định. Thủ tục xin cấp phép hoạt động là tiền đề cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền siết chặt việc theo dõi, quản lý tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp nói riêng và tình hình hoạt động bán hàng đa cấp ở địa phương và trên toàn quốc nói chung. Như vậy, việc quy định về thủ tục đăng ký bán hàng đa cấp không chỉ mang bản chất của cơ chế tiền kiểm mà còn là cơ sở cho hoạt động hậu kiểm của nhà nước đối với hoạt động này.

Điều kiện, trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Thứ nhất, về thời hạn gia hạn

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được gia hạn nhiều lần, mỗi lần có thời hạn 05 năm.

Thứ hai, về điều kiện gia hạn

 Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong trường hợp đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ – CP. Trước khi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực ít nhất 03 tháng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Thứ ba, về hồ sơ đề nghị gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm: Đơn đề nghị gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2018/ NĐ – CP và các tài liệu khác như hồ sơ đề nghị cấp mới.

 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ