BVNTD

Tố tụng cạnh tranh trong điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế

Tập trung kinh tế trên thị trường được hiểu là quá trình mà số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường bị giảm đi thông qua các hành vi sáp nhập hoặc thông qua tăng trưởng nội sinh của doanh nghiệp trên cơ sở mở rộng năng lực sản xuất. Với cách nhìn nhận này, tập trung kinh tế được phân tích dưới góc độ căn nguyên của hiện trường tập trung và hậu quả của nó đối với cấu trúc thị trường cạnh tranh. Từ đó, các nhà hoạch định chính sách cạnh tranh có thể bóc tách các yếu tố kinh tế để tìm kiếm, bản chất pháp lý nhằm tìm ra những cơ chế điều chỉnh phù hợp với hiện tượng.

Hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế bao gồm:

Doanh nghiệp không thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018.

Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ và thẩm định chính thức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 36, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Cạnh tranh năm 2018 đối với thẩm định sơ bộ và Điều 41 đối với thẩm định chính thức.

Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ điều kiện được thể hiện trong quyết định về tập trung kinh tế quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 41, Luật Cạnh tranh năm 2018 liên quan đến quy định tập trung kinh tế có điều kiện.

Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 41, Luật Cạnh tranh năm 2018.

Tố tụng cạnh tranh trong điều tra, xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế

Hoạt động kiểm soát tập trung kinh tế không chỉ dừng lại ở giai đoạn “tiền kiểm” mà còn bao gồm cả quá trình “hậu kiểm”. Thông thường, giai đoạn này nằm trong quá trình tố tụng cạnh tranh.

Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế (không thông báo tập trung kinh tế, thực hiện tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành điều tra vụ việc. Trường hợp có kết luận vi phạm về tập trung kinh tế thì các vi phạm này sẽ bị xử lý bởi các biện pháp chế tài hành chính, trong đó bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vi phạm buộc phải chấm dứt hành vi tập trung kinh tế, thông thường là các hành vi tập trung kinh tế chuẩn bị tiến hành hoặc đang tiến hành. Thậm chí, các doanh nghiệp vi phạm buộc phải khắc phục tình trạng vi phạm đã gây ra cho cấu trúc thị trường như tái cơ cấu, buộc trở về tình trạng ban đầu. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm việc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; chia tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua. Các biện pháp khắc phục loại này rất quan trọng, vì chúng sẽ giúp loại bỏ yếu tố tiêu cực, dẫn đến không còn khả năng gây hạn chế cạnh tranh.

Theo Khoản 8, Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018 thì “Tố tụng cạnh tranh là hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này”. Tố tụng cạnh tranh tiến hành theo thủ tục hành chính có những điểm khác với thủ tục tư pháp tại Toà án và hiện hành được quy định trong Nghị định số 35/2020/NĐ – CP ngày 2 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh. Việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 75/2019/NĐ – CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

 Như vậy, tố tụng cạnh tranh thực chất chỉ bao gồm thẩm quyền và thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh. Đây là một trong các nội dung cơ bản và quan trọng của pháp luật cạnh tranh ở các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam.

* Về cơ quan cơ quan thực thi pháp luật trong điều tra và xử lý đối với vi phạm quy định về tập trung kinh tế:

Theo quy định Luật Cạnh tranh năm 2004:

Theo Luật Cạnh tranh năm 2004, việc kiểm soát các hành vi sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp có sự tham gia của các cơ quan:

– Cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh, nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương) có chức năng: Kiểm soát quá trình tập trung kinh tế; Thẩm định hồ sơ thông báo, hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ tập trung kinh tế; Thụ lý, tổ chức điều tra vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh (gồm cả tập trung kinh tế).

– Hộ đồng cạnh tranh xử lý các hành vi vi phạm gồm thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp bị cấm, thực hiện tập trung kinh tế mà không thông báo tập trung kinh tế.

– Cơ quan đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Sở Kế hoạch Đầu tư) thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh.

– Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông…) thực hiện chức năng thẩm định, cấp phép đối với các trường hợp tập trung kinh tế trong lĩnh vực chuyên ngành theo pháp luật có liên quan.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Cạnh tranh năm 2018 đã thay đổi mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh, theo đó Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được thành lập trên cơ sở hợp nhất cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng cạnh tranh thành một cơ quan duy nhất thực hiện chức năng điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh. Theo đó, thẩm quyền kiểm soát tập trung kinh tế và điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định trong Luật Cạnh tranh năm 2018 đã thay đổi so với Luật Cạnh tranh năm 2004, cụ thể như sau:

  • Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thẩm quyền: Thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế
  • Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh trực thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: tiến hành điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo thủ tục tố tụng cạnh tranh
  • Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Quyết định kết quả thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế và quyết định xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật Cạnh tranh năm 2018 (Điều 4) đã khắc phục quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 về việc có sự mâu thuẫn và chồng chéo về thẩm quyền kiểm soát tập trung kinh tế cũng như trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và cơ quan quản lý chuyên ngành, cụ thể:

– Việc điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và thông báo tập trung kinh tế phải áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh.

– Trường hợp luật khác có quy định về hình thức tập trung kinh tế khác với quy định của Luật Cạnh tranh thì áp dụng quy định của luật đó.

Với quy định nêu trên, toàn bộ quá trình kiểm soát tập trung kinh tế bao gồm thông báo và thẩm định thông báo tập trung kinh tế, điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh trong đó có vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế đều phải áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh. Riêng về nội hàm các hình thức tập trung kinh tế thì áp dụng quy định của pháp luật có liên quan khác.

Tóm lại, theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004, việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế được thực hiện chủ yếu bởi Cục Quản lý cạnh tranh. Trong khi đó Hội đồng cạnh tranh sẽ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế. Như vậy, kết hợp cả hai vấn đề trên thì có thể thấy rằng, mô hình cơ quan kiểm soát tập trung kinh tế và điều tra, xử lý đối với vi phạm quy định về tập trung kinh tế ở Việt Nam là mô hình gồm hai cơ quan thực thi, bốn cấp xử lý. Quy định như vậy dẫn đến những hạn chế về thẩm quyền, tính chuyên trách, tính độc lập và khả năng phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành của cơ quan thực hiện kiểm soát tập trung kinh tế cũng như trong quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018, việc kiểm soát tập trung kinh tế và điều tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các thành viên. Việc Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực hiện việc kiểm soát tập trung kinh tế và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc tập trung kinh tế, đặc biệt đối với các vụ việc tập trung kinh tế thực hiện bên ngoài lãnh thổ nhưng có tác động ảnh hưởng đáng kể đến thị trường Việt Nam.

Việc xây dựng cơ quan như vậy góp phần đảm bảo vị thế của cơ quan nhà nước đặc thù thực thi pháp luật cạnh tranh thể hiện trong hoạt động điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đảm bảo việc kiểm soát tập trung kinh tế và điều tra, xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế được thực hiện thông suốt, liền mạch, góp phần loại bỏ nhanh chóng, hiệu quả các vụ tập trung kinh tế có tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể, đồng thời phát huy các khía cạnh tích cực của vụ tập trung kinh tế. Mô hình này cũng phù hợp của thông lệ và xu hướng phát triển của pháp luật cạnh tranh trên  thế giới.

* Trình tự tố tụng cạnh tranh (vụ việc về tập trung kinh tế) ở Việt Nam:

Bước 1: Khiếu nại về vụ việc cạnh tranh (trong trường hợp cụ thể này được hiểu là khiếu nại về vụ việc tập trung kinh tế);

Bước 2: Thụ lý hồ sơ khiếu nại;

Bước 3: Thủ trưởng cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc tập trung kinh tế;

Bước 4: Báo cáo điều tra;

Bước 5: Xử lý vụ việc tập trung kinh tế.

* Quy định về xử lý vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế

Doanh nghiệp khi thực hiện tập trung kinh tế nếu có một trong các hành vi được quy dịnh tại Điều 44 Luật Cạnh tranh năm 2018 bị coi là vi phạm quy định về tập trung kinh tế, cụ thể gồm:

– Không thông báo tập trung kinh tế trong trường hợp việc tập trung kinh tế của doanh nghiệp thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.

– Thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ của Ủy ban cạnh tranh quốc gia.

– Thực hiện tập trung kinh tế khi Ủy ban cạnh tranh Quốc gia chưa ra quyết định đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp phải thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế.

– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ điều kiện khi tiến hành tập trung kinh tế đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp tập trung kinh tế có điều kiện.

– Thực hiện tập trung kinh tế bị cấm, gồm có:

+ Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp sau khi thẩm định chính thức Ủy ban cạnh tranh Quốc gia ra quyết định việc tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm.

+ Thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

Hình thức xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế: Việc xử phạt vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế được áp dụng các quy định theo Nghị định 75/2019/NĐ- CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Đối với hành vi vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế, doanh nghiệp vị phạm phải chịu hình thức xử phạt là phạt tiền, mức phạt tiền tối đa là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm (Khoản 2, Điều 4).

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, các doanh nghiệp tiến hành tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả như bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua.

Đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ hoặc Ủy ban cạnh tranh Quốc gia chưa ra quyết định sau khi thẩm định chính thức hoặc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các điều kiện khi tiến hành tập trung kinh tế được quy định tại Điều 14, Nghị định 75/2019/ NĐ-CP về Hành vi không thông báo tập trung kinh tế (phạt tiền từ 01% đến 05% tổng doanh thu trong năm tài chính liền kề năm trước); Điều 15, Nghị định 75/2019/ NĐ-CP về Hành vi vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế khác (phạt tiền từ 0,5% đến 01% đối với hành vi thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ và hành vi thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có quyết định của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia; phạt tiền từ 01% đến 03% đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ điều kiện về tập trung kinh tế và thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp bị cấm.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ