Tổng quan ngành công nghiệp ô tô trên thế giới
Hiện nay, nền công nghiệp ô tô thế giới do các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh và chi phối về nghiên cứu và phát triển, công nghệ, thị trường. Trong đó, 15 tập đoàn hàng đầu chiếm 82% thị trường ô tô toàn cầu, chiếm 30% doanh số xuất khẩu. Chuỗi giá trị toàn cầu ô tô hiện nay được tổ chức rất chặt chẽ, với một số ít thành viên dẫn dắt hay “người tích hợp hệ thống” là các tập đoàn đa quốc gia (MNC) đóng vai trò đầu mối trong việc đổi mới, phát triển sản phẩm, đảm bảo nguyên liệu, định vị sản xuất, chuyển giao thông tin và công nghệ, tổ chức hậu cần vận chuyển, thực hiện marketing, đẩy mạnh tiêu thụ và dẫn dắt trong từng chuỗi giá trị có vai trò quan trọng. Họ kiểm soát mặt hàng được sản xuất, nơi sản xuất, người sản xuất, số lượng, giá cả và quy trình. Các tập đoàn có thị phần, phân khúc cụ thể cho sản xuất và nhập khẩu tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Các tập đoàn thường hợp tác, sở hữu chéo để tận dụng công nghệ, thị trường và nhà cung cấp nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Bảng 1: Sản lượng ô tô thế giới hàng năm từ năm 2007-2020
Nhờ những công nghệ đột phá trong công nghiệp ô tô, như xe ô tô điện, xe ô tô tự lái, kết nối internet và ứng dụng công nghệ thông tin, v.v. những xu hướng phát triển mới của công nghiệp ô tô đã bắt đầu đồng thời mở ra thị trường tiêu dùng mới. Trong năm 2020, cả thế giới đã sản xuất 77,6 triệu xe ô tô, giảm 15,8% so với năm 2019. Sản xuất ở tất cả các khu vực đều giảm, giảm mạnh nhất ở Châu Phi với 35.3%, sau đó tới Châu Mỹ và Châu Âu với khoảng 22% và cuối cùng là Châu Á – Thái Bình Dương khoảng 10%. Sự sụt giảm đáng để này đến từ đại dịch COVID-19 khiến cho chuỗi cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng bị đứt gãy cũng như sức mua giảm.
Công nghiệp ô tô thế giới thực chất nằm trong tay một số doanh nghiệp đa quốc gia, sở hữu các thương hiệu xe khác nhau. Các doanh nghiệp của Châu Âu, Hoa Kỳ đã có lịch sử phát triển lâu đời, sở hữu cả các thương hiệu xe hạng sang và thương hiệu phổ thông. Các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đã phát triển một vài thương hiệu hạng sang, và các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã tham gia vào nhóm các hãng xe lớn trên thế giới. Theo thống kê của tổ chức OICA, trong năm 2020, các quốc gia sản xuất nhiều xe hơi nhất thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, chiếm 65% tổng số xe hơi trên thế giới.
Hình 1: Doanh thu của các tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới
Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua những thay đổi chưa từng có và mang lại những ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với người tiêu dùng cũng như nhiều khối ngành khác nhau. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra 5 xu hướng chính đang và sẽ mở ra những chương mới của ngành ô tô trong tương lai:
Điện khí hóa – Xanh hóa ngành công nghiệp ô tô: Điện khí hóa như cú chuyển mình của ngành ô tô, đang dần dẫn đầu xu hướng của ngành trong những năm gần đây. Từ những chiếc xe chạy bằng động cơ đốt trong, các nhà sản xuất đang dần “xanh hóa” đường đua sản xuất bằng việc tung ra thị trường những mẫu xe điện thân thiện với môi trường. Những dòng xe điện này liên tục được cải tiến, thải ít khí thải, tiếng ồn và bụi bẩn ra môi trường hơn và dẫn trở thành sự thay thế hoàn hảo cho các phương tiện giao thông đô thị hiện đại.
Tự động hóa – giải tỏa sự căng thẳng của tài xế: Bên cạnh những chiếc xe điện đang ngày càng trở nên phổ biến, một tương lai mới cũng đang dần mở ra với các phương tiện giao thông. Sự thay đổi chóng mặt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning) và Mạng thần kinh nhân tạo (Neural Networks) đã kéo theo sự bùng nổ của các phương tiện tự lái trong thời gian vừa qua. Giờ đây, con người đã có thể tận hưởng sự tự động hóa khi không phải trải qua những giờ phút lái xe căng thẳng. Mọi chuyển động, điều khiển đều được xử lý nhanh chóng và kịp thời bởi những công nghệ tiên tiến hiện đại nhất.
Sự chia sẻ – giải pháp đi lại thông minh và tiện lợi: Trong những năm qua, xu hướng đi chung xe đã và đang nở rộ tại nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới. Đi chung xe đã trở thành một giải pháp đi lại thông minh và tiện lợi, không chỉ giúp người dùng giảm chi phí đi lại mà còn giúp môi trường trở nên trong sạch hơn khi số lượng xe lưu thông trên đường giảm. Ước tính hiện tại trên thế giới có khoảng 70 triệu người sử dụng các ứng dụng đi chung xe. Với mức gia tăng chóng mặt này, đến năm 2025 dự kiến doanh thu toàn cầu của dịch vụ đi chung xe sẽ đạt mức 2 tỷ đô la Mỹ.
Sự kết nối – hơi thở mới trong nền công nghiệp ô tô: Khác với những phương tiện truyền thống trước đây, những mẫu xe mới của tương lai đã và sẽ được trang bị những tính năng ưu việt, giúp kết nối người lái với môi trường và mọi người xung quanh hay kết nối giữa các phương tiện với nhau và với cơ sở hạ tầng giao thông (chẳng hạn như đèn tín hiệu). Ngoài ra mọi tiện ích như được gói gọn trong khoang cabin xe, cho phép người lái có thể trò chuyện, làm việc, lướt web và tận hưởng các loại hình giải trí khác như nghe nhạc, xem phim trong suốt hành trình của mình.
Liên tục đổi mới – sự chuyển mình liên tục để không bị tụt hậu: 4 định hình mang tên điện khí hóa, tự động hóa, kết nối và chia sẻ đã đem đến một làn gió mới cho ngành công nghiệp ô tô trong thập kỷ vừa qua, đồng thời đòi hỏi các nhà sản xuất ô tô phải liên tục cập nhật và tự làm mới mình. Vòng đời kéo dài từ 5 đến 8 năm của những chiếc ô tô sắp sửa đi vào quá khứ, thay vào đó những chiếc xe được làm mới, cập nhật mỗi năm nhằm tích hợp những phần mềm và công nghệ mới nhất và bắt kịp với sự biến đổi của thời đại cũng như phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mặc dù cũng phải đối mặt với năm xu hướng nêu trên, nhưng xu hướng phát triển ô tô ở các nước đi sau không giống với các nước đi trước. Các nước đi sau sẽ vẫn tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản như phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng, năng lực công nghiệp, nguồn nhân lực…
Khu vực ASEAN đang được xem là một trong những trung tâm sản xuất ô tô chính trên thế giới và có tiềm năng lớn phát triển, mở rộng trong tương lai. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đã đặt cơ sở sản xuất tại khu vực này, như GM, MBW, Ford, Daimler, Chrysler, Toyota, Mitsubishi, Mazda, Isuzu, Honda, Nissan… Trong khối ASEAN, chỉ có năm quốc gia lắp ráp/chế tạo ô tô là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Cả năm quốc gia đều xác định công nghiệp ô tô là ngành quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế của mình.