Đối với Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, trưng cầu giám định là một biện pháp để thu thập chứng cứ nhưng đồng thời cũng là biện pháp kiểm tra chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh.
Trong Luật Cạnh tranh 2018 không có quy phạm định nghĩa về giám định và trưng cầu giám định, cũng không quy định trình tự, thủ tục trưng cầu giám định. Điều đo có nghĩa là, việc giám định trong điều tra vụ việc cạnh tranh cần áp dụng những quy định chúng của pháp luật về giám định. Văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động này là Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Theo đó:
Điều 2 Luật Giám định tư pháp quy định:
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.
Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Về định nghĩa trưng cầu giám định, hiện nay không có quy phạm định nghĩa chính thức, tuy nhiên qua những quy định của Luật Giám định tư pháp có thể hiểu:
Trưng cầu giám định là hoạt động tố tụng (hình sự, hành chính, hình sự, dân sự) của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người yêu cầu giám định thể hiện bằng việc ra quyết định yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu cá nhân, tổ chức giám định sử dụng kiến thức chuyên môn cần thiết về các lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ… theo quy định của pháp luật để nghiên cứu, kết luận về những vấn đề cần làm rõ trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án theo yêu cầu pháp luật.
Trong Luật Cạnh tranh 2018, quy định:
Điều 70. Người giám định
1. Người giám định là người am hiểu và có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định được Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trưng cầu hoặc được các bên liên quan đề nghị giám định trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh từ chối trưng cầu giám định.
Theo Điều 67, thì bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định trưng cầu giám định. Nếu yêu cầu này bị từ chối, những người này có thể đề nghị giám định sau đó chuyển kết quả giám định cho Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
Việc trưng cầu giám định của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh được thực hiện trong ba trường hợp sau: tự ra quyết định trưng cầu giám định; ra quyết định theo yêu cầu của các bên liên quan.
Trường hợp tự trưng cầu giám định
Xuất phát từ tính chất của vụ việc cạnh tranh, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cần tự trưng cầu giám định có thể trưng cầu giám định trong trường hợp phát hiện các mâu thuẫn trong thông tin đã thu thập được cần có kết luận có cơ sở khoa học để khẳng định. Chẳng hạn, khi có thông tin có mâu thuẫn với nhau trong việc xác định: đặc tính, mục đích sử dụng của hàng hoá, dịch vụ; đối tượng sở hữu trí tuệ; chữ viết, chữ ký, con dấu trên các văn bản; âm thanh, hình ảnh trên các phương tiện lưu hình, lưu ảnh có liên quan trong vụ việc cạnh tranh…
Trước khi tiến hành trưng cầu giám định, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, điều tra viên vụ việc cạnh tranh cần:
Nghiên cứu các chứng cứ, thông tin đã có phát hiện những mẫu thuẫn giữa các thông tin, chứng cứ
Yêu cầu các bên liên quan giải trình về những mâu thuẫn, đề nghị họ thực hiện quyền yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh trưng cầu giám định. Nếu họ không đưa ra yêu cầu thì đề nghị họ thực hiện các yêu cầu của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh về trưng cầu giám định trong trường hợp trưng cầu giám định tâm thần.
Thu thập mẫu đối chiếu đồ vật, tài liệu, mẫu chữ, chữ ký, con dấu…
Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có thể trưng cầu:
Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
Trong đó giám định kỹ thuật hình sự có: Giám định dấu vết đường vân; Giám định tài liệu; Giám định dấu vết cơ học; Giám định súng, đạn; Giám định hóa học; Giám định sinh học; Giám định cháy, nổ; Giám định kỹ thuật; Giám định âm thanh; Giám định kỹ thuật số và điện tử.
Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập thực hiện giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Danh sách các văn phòng giám định tư pháp được đăng ký và công bố bởi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Người, tổ chức giám định theo vụ việc. Danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp trưng cầu giám định theo yêu cầu của những người liên quan
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 35:
Bên khiếu nại, Bên bị khiếu nại, Bên bị điều tra, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trưng cầu giám định hoặc tự mình đề nghị giám định trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh từ chối trưng cầu giám định. Quyền đề nghị giám định được thực hiện trong thời hạn điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.
Theo đề nghị của Bên khiếu nại, Bên bị khiếu nại, Bên bị điều tra, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định
Đối với trường hợp tài liệu, đồ vật được sử dụng làm chứng cứ bị tố cáo là giả mạo, việc xử lý được thực hiện theo Điều 21 Nghị định 35 như sau:
Điều 21. Trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo
Trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại; nếu không rút lại, người tố cáo có quyền đề nghị Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trưng cầu giám định.
Trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Người đưa ra chứng cứ giả mạo phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác và phải chịu chi phí giám định nếu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh quyết định trưng cầu giám định.
Sau khi thực hiện các thủ tục trên cho cả hai trường hợp, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, điều tra viên vụ việc cạnh tranh cần xem xét chức năng giám định của các tổ chức giám định, tìm hiểu đơn vị nào có thể thực hiện yêu cầu giám định. Sau đó, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra
Quyết định trưng cầu giám định. Quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.
Sau khi nhận kết quả giám định (kết luận giám định), điều tra viên cần nghiên cứu các kết luận giám định. Cần chú ý rằng, kết luận giám định chỉ là nguồn chứng cứ. Do đó, việc quyết định có sử dụng các kết luận đó làm chứng cứ hay không phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu, đánh giá chứng cứ.
Cũng theo quy định của Điều 20 Nghị định 35, khi kết quả giám định có mẫu thuẫn sẽ được xử lý như sau:
Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa rõ ràng thì theo yêu cầu của Bên khiếu nại, Bên bị khiếu nại, Bên bị điều tra, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định để trực tiếp trình bày về nội dung liên quan.
Theo yêu cầu của Bên khiếu nại, Bên bị khiếu nại, Bên bị điều tra, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh ra quyết định giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc cạnh tranh đã được kết luận giám định trước đó.
Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc có vi phạm pháp luật.