BVNTD

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc tổ chức Hội thảo về kỹ năng điều tra vụ việc cạnh tranh tại Hà Nội.

03/05/2024

Trong khuôn khổ hợp tác khu vực về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc tổ chức Hội thảo về kỹ năng điều tra vụ việc cạnh tranh tại Hà Nội, Việt Nam.

Hội thảo diễn ra 03 ngày, từ ngày 09 đến ngày 11 tháng 4 năm 2024 tại Hà Nội, Việt Nam. Tham dự Hội thảo có đại diện cơ quan cạnh tranh một số cơ quan cạnh tranh khu vực châu Á, bao gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Mông Cổ, Parkistan, Trung Quốc, Đài Bắc Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Fiji, Sri Lanka với sự tham gia của các diễn giả là chuyên gia cạnh tranh đến từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc, Ủy ban Cạnh tranh Hồng Kông, Cục Cạnh tranh của Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ, Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản, và Ban cạnh tranh OECD.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tạo điều kiện cho cán bộ của cơ quan cạnh tranh các nước châu Á trao đổi, học hỏi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh với các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực cạnh tranh  nhằm nâng cao trình độ, năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của các nước khu vực  trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng có xu hướng gia tăng như hiện nay.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, bà Alessandra Tonazzi, chuyên gia về cạnh tranh OECD và ông Hotae Kim, Giám đốc Chương trình Cạnh tranh, Trung tâm chính sách OECD cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh khu vực trong đó công tác thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh đóng vai trò quan trọng đồng thời đánh giá cao hoạt động hợp tác quốc tế về cạnh tranh thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cạnh tranh đã chia sẻ kinh nghiệm của cơ quan cạnh tranh Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Úc, và các nước OECD về:

– Quy định và thực thi pháp luật cạnh tranh đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: (1) cơ sở pháp lý, phạm vi và tính chất của các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong pháp luật cạnh tranh, (2) khái niệm về các-ten, khái niệm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, (3) các hành vi các-ten và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, (4) các biện pháp thu thập chứng cứ, (5) thủ tục tố tụng cạnh tranh.

– Quy định và thực thi pháp luật cạnh tranh đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường: (1) khái niệm, tính chất của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của pháp luật cạnh tranh, (2) xác định thị trường liên quan trong vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, (3) xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp trong các vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, (4) hành vi loại bỏ đối thủ cạnh tranh và hành vi gây thiệt hại cho khách hàng.

– Quy định kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh: (1) quy định về thông báo tập trung kinh tế, (2) xác định thị trường liên quan trong vụ việc tập trung kinh tế, (3) phân tích, đánh giá tác động cạnh tranh trong các vụ việc tập trung kinh tế, (4) các biện pháp khắc phục trong các vụ việc tập trung kinh tế, (5) nghiên cứu, phân tích và thảo luận về vụ việc tập trung kinh tế giả định theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Tham dự Hội thảo, đại diện cơ quan cạnh tranh đã có cơ hội nghiên cứu, phân tích và thảo luận về vụ việc cạnh tranh giả định liên quan đến hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hoạt động tạp trung kinh tế bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Hội thảo đã diễn ra thành công với sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về cạnh tranh cũng như sự tham gia và đóng góp tích cực của các đại biểu tham dự đối với nội dung Hội thảo. Bên cạnh việc tăng cường kiến thức và kinh nghiệm của cơ quan cạnh tranh trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh, Hội thảo còn đóng vai trò là cầu nối, giúp mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa cơ quan cạnh tranh các nước khu vực trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ