BVNTD

Yêu cầu khám xét trong hoạt động điều tra vụ việc cạnh tranh

22/05/2024

Điều 82. Luật Cạnh tranh 2018, quy định:

Trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính sau đây theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:

Khám phương tiện vận tải, đồ vật; c) Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm.

Như vậy, theo quy định pháp luật Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh được đề nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sử dụng biện pháp khám xét nhưng không trực tiếp tiến hành hành hoạt động khám xét mà phải thực hiện thông qua các cơ quan khác. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp này, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh vẫn phải nắm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng quyền khám xét.

Để đề xuất áp dụng biện pháp khám xét, cần chú ý những vấn đề sau đây: Khám xét là biện pháp điều tra để thu giữ chứng cứ song cũng là một biện pháp cưỡng chế để đảm bảo xử lý vi phạm hành chính. Biện pháp này có tác động trực tiếp đến quyền cơ bản của tổ chức và cá nhân bị khám xét. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp này phải hết sức thận trọng và tuân thủa nghiêm ngặt các quy định pháp luật.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành khám xét theo thủ tục hành chính đối với: (1) Phương tiện vận tải, đồ vật và (2) Nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm.

Để đề xuất tiến hành khám xét, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cần phải thu thập thông tin làm căn cứ quyết định việc khám xét theo thủ tục hành chính. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, căn cứ khám xét theo thủ tục hành chính đối với phương tiện vận tải, đồ vật và nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định như sau:

Điều 128. Khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính

Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.

Điều 129. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Để đề xuất áp dụng biện pháp khám xét, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh phải thu thập thông tin để xác định đúng phương tiện vận tải, đồ vật, địa điểm định khám có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Thông tin này phải được kiểm tra đảm bảo có cơ sở tin tưởng. Ngoài ra, để phối hợp khám xét thành công, cần thu thập thêm những thông tin như:

+ Thông tin về người điều khiển, người quản lý đồ vật, chủ sở hữu, quản lý địa điểm bị khám xét: phẩm chất cá nhân, cá tính, thói quen, vị trí xã hội, đặc điểm nghề nghiệp…

Đặc điểm phương tiện bị khám xét: biển kiểm soát, màu xe, cấu tạo cơ bản của xe…

Đặc điểm của đồ vật bị khám xét: loại đồ vật, đặc điểm nhận biết, nơi cất giữ, bảo quản…

Đặc điểm của địa điểm: địa chỉ, cấu trúc, các vùng kế cận, đường ra, vào, tường rào, số lượng người ở địa điểm…

Cần nắm chắc về thẩm quyền ra quyết định khám xét theo thủ tục hành chính để đề xuất lực lượng được yêu cầu cho phù hợp. Theo quy định tại Điều 128,

Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền quyết định việc khám phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính bao gồm những người sau:

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an phường;

Trưởng Công an cấp huyện;

Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường;

Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm công an cửa khẩu;

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động;

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc CụcHải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hảiđội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục hải quan;

Đội trưởng Đội quản lý thị trường;

Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửakhẩu cảng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải độibiên phòng, Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo;

Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển;

Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga;

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Những người có thẩm quyền từ 1 đến 9 nêu trên có thể giao quyền cho cấp phó bằng văn bản khi họ vắng mặt. Đối với khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làchỗ ở thì phải đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

Đối với khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy, thì ngoài những người trên, chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức thuế, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường, thanh tra viên đang thi hành công vụ được tiến hành khám và phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám.

Trước khi đề xuất Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành văn bản yêu cầu có thẩm quyền áp dụng biện pháp khám xét, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cần trao đổi kỹ lưỡng với cơ quan được đề nghị áp dụng biện pháp này. Việc đề xuất lên Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chỉ tiến hành khi được cơ quan được đề nghị chấp thuận. Trong trường hợp này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải chịu trách nhiệm về tính có căn cứ của cuộc khám xét.

Về thủ tục yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành khám xét, cần căn cứ vào quy định của Điều 26 Nghị định 35. Cụ thể như sau:

Điều 26. Thủ tục yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh bằng văn bản.

Văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh phải có các nội dung chính sau đây:

Ngày, tháng, năm;

Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan, tổ chức, cá nhân bị kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh;

Tóm tắt hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh;

Lý do cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh;

Thời gian, phạm vi và biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh cần được áp dụng và các kiến nghị cụ thể khác.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, cơ quan được yêu cầu phải ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp cơ quan được yêu cầu từ chối áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Khi quá trình khám xét diễn ra, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đơn vị thực hiện khám xét theo quy định tại Điều 27 Nghị 35. Cụ thể:

“Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh”.

Ngoài ra, trong quá trình khám xét theo thủ tục hành chính, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cần cử điều tra viên vụ việc cạnh tranh và cán bộ của mình tham gia chứng kiến quá trình khám xét. Quá trình đó, điều tra viên có thể trao đổi với người có trách nhiệm chỉ đạo cuộc khám xét để đảm bảo việc khám xét có kết quả. Khi tiếp nhận kết quả khám xét, giữa các bên phải lập biên bản chuyển giao đồ vật, tài liệu theo đúng quy định pháp luật.

Các biện pháp hỗ trợ điều tra

Trong phần này chúng ta cùng nhau tìm hiểu những hoạt động trong thẩm quyền của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, mặc dù không trực tiếp được sử dụng để thu thập chứng cứ nhưng hỗ trợ rất đắc lực cho việc thu thập chứng cứ. Đó là: Khai thác các tình tiết giảm nhẹ và “Chính sách khoan hồng”; Biện pháp tạm giữ; Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Khai thác các tình tiết giảm nhẹ và chính sách khoan hồng

Có thể anh/chị cho rằng các tình tiết giảm nhẹ chẳng liên quan gì đến các biện pháp thu thập chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh. Tuy nhiên, anh/chị cần nhớ rằng, điều tra viên vụ việc cạnh tranh sẽ phải vận dụng hết sức linh hoạt các quy định pháp lý vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Khai thác các tình tiết giảm nhẹ là một cách vận dụng linh hoạt quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Chúng ta biết rằng, KHÔNG AI BIẾT RÕ CÁC SỰ VIỆC MỘT NGƯỜI THAM GIA BẰNG CHÍNH HỌ. Điều này có nghĩa là “những nhân vật chủ chốt” trong các doanh nghiệp tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật về cạnh tranh là những người hiểu rõ nhất vụ việc cạnh cạnh và vì vậy là nguồn chứng cứ phong phú nhất, chính xác hơn cả.

Để hỗ trợ những người vi phạm tích cực cộng tác với Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cần phải dựa vào những quy định pháp luật.

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có những tình tiết giảm nhẹ có thể khai thác hỗ trợ cho công tác điều tra vụ việc cạnh tranh. Cụ thể:

Điều 9, Luật Xử lý vi phạm hành chính:

Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính”.

Luật Cạnh tranh 2018, có những quy định cụ thể về chính sách khoan hồng. Cụ thể:

Điều 112. Chính sách khoan hồng

          Doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

          Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

          Việc miễn hoặc giảm mức xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 11 của Luật này;

          Tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra;

 

            Khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm;

Hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.

Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận.

Chính sách khoan hồng áp dụng cho không quá 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này.

Căn cứ xác định doanh nghiệp được hưởng khoan hồng được quy định như sau:

Thứ tự khai báo;

Thời điểm khai báo;

Mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp.

Việc miễn, giảm mức phạt tiền được thực hiện như sau:

Doanh nghiệp đầu tiên có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này được miễn 100% mức phạt tiền;

Doanh nghiệp thứ hai và thứ ba có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền.

Những quy định chủ yếu được liệt kê trên là cơ sở pháp lý để Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh kéo những người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khai báo và cung cấp thông tin, tài liệu, đồng thời những quy định trên cũng là cơ sở cho những ứng xử hợp lý, hợp tình với những “người cộng tác”.

Sự tự nguyện của “người cộng tác” cần được hiểu một cách phù hợp chứ không nhất thiết là sự tự giác hoàn toàn từ họ (sau đây gọi là trường hợp tự giác cộng tác). Có nghĩa là cũng nên coi là “tự nguyện” nếu sau khi được điều tra viên giải thích, động viên đối tượng chấp thuận khai báo, cung cấp chứng cứ và thực hiện các yêu cầu khác của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Trường hợp này có thể gọi là “cộng tác tự nguyện có tác động”.

Khác với trường hợp tự giác cộng tác, trường hợp cộng tác có tác động đòi hỏi Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh phải xác định được người mà mình muốn tác động để họ cộng tác. Để thực hiện việc này điều tra viên vụ việc cạnh tranh cần chú ý một số bước sau đây:

Xem xét sự cần thiết cần có sự cộng tác của một trong những người gia vào nhóm có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Sự cần thiết này được xem xét khi:

Vụ việc cạnh tranh thuộc nghĩa vụ chứng minh của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh; đồng thời gặp bế tắc trong việc thu thập những chứng cứ chứng minh những vấn đề chính cần phải chứng minh; hoặc thời gian điều tra không còn đủ để làm rõ được tất cả các tình tiết của vụ việc cạnh tranh.

Thu thập, nghiên cứu kỹ thông tin về những người ở phía bên bị điều tra nhằm xác định:

Mức độ tham gia vi phạm và khả năng nắm bắt thông tin;

Mối quan hệ và mức độ quan hệ giữa các đối tượng, vai trò của các đối tượng; Nhận thức và thái độ đối với hành vi vi phạm.

Xác định người có thể sử dụng được dựa vào một số tiêu chí cơ bản sau đây:

Có thực sự tham gia vào quá trình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh nhưng ở vai trò thứ yếu;

Mức độ quan hệ thực chất với các đối tượng chính cần điều tra không quá chặt chẽ (không phải quan hệ gia đình, phụ thuộc chặt về tình cảm và lợi ích…);

Nhận thức được sự sai trái của hành vi của mình và những người khác cùng thực hiện hành vi vi phạm, có thái độ không ngoan cố;

Có thể giữ bí mật.

Tác động đề nghị cộng tác:

Việc tác động cần được tiến hành kết hợp với việc lấy lời khai riêng với đối tượng định tác động đề nghị cộng tác;

Đưa ra những chứng cứ chứng minh những hành vi vi phạm của đối tượng và hậu quả pháp lý mà đối tượng phải chịu;

Giải thích rõ ràng cho đối tượng về những lợi ích của việc khai báo thành thật và giúp đỡ Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh trong quá trình điều tra;

Thăm dò thái độ của đối tượng khéo léo đặt vấn đề cộng tác với Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.

Trong trường hợp một người chấp thuận cộng tác với Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, cần triệt để khai thác mọi thông tin và khả năng của họ. Cụ thể:

Khai thác triệt để các chứng cứ vật chất và phi vật chất mà họ đang nắm giữ hoặc có khả năng thu thập;

Thu thập những thông tin cần thiết khác có ý nghĩa định hướng cho việc thu thập chứng cứ. Những thông tin cần thiết ở đây có thể là: thái độ, hoạt động của các đối tượng đang được điều tra; cá tính và những bí mật riêng của các đối tượng được điều tra; mối quan hệ, vai trò, vị trí của các đối tượng bị điều tra; nơi cất dấu các chứng cứ và phương tiện vi phạm…

 

Những thông tin trên mặc dù có thể không sử dụng làm chứng cứ nhưng có ý nghĩa xây dựng các giả thuyết, xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra một cách chủ động.

Sử dụng họ để tìm hiểu, lôi kéo thêm người cộng tác khác hoặc phân hoá nội bộ các đối tượng vi phạm, tạo điều kiện cho công tác điều tra.

Trong trường hợp này, điều tra viên sử dụng họ cần giao nhiệm vụ và hướng dẫn cụ thể cho họ.

Trong quá trình khai thác sự cộng tác của người cộng tác cần đặc biệt chú ý đến việc giữ bí mật về người cộng tác và hoạt động của họ. Việc giữ bí mật là rất cần thiết bởi:

Đảm bảo sự nỗ lực cộng tác của người cộng tác: sự cộng tác của người cộng tác là vì mục tiêu chung có lợi cho xã hội nhưng ở khía cạnh khác nó lại là “sự phản bội các chiến hữu”. Người cộng tác luôn trạng thái tâm lý nghi ngại việc cộng tác bị lộ đó gây ra những thiệt hại cho việc kinh doanh, quan hệ làm ăn và những hậu quả do “chiến hữu” của họ sẽ gây ra với họ và gia đình họ;

Đảm bảo hiệu quả cho việc cộng tác: việc cộng tác chỉ có hiệu quả trong trường hợp các đối tượng bị điều tra bị động trước những hiểu biết, những thông tin chính xác mà Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh nắm được. Khi đối tượng điều tra biết hoặc nghi ngờ “sự phản bội” của một trong những “chiến hữu”, họ sẽ vô hiệu hoá người cộng tác hoặc hướng người cộng tác đến những thông tin giả tạo.

Để đảm bảo sự bí mật về sự cộng tác, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cần chú ý những vấn đề sau:

Luôn yêu cầu người cộng tác tự giữ bí mật về sự cộng tác của mình;

Không để những người không có trách nhiệm biết được sự cộng tác của người cộng tác cũng như kết quả do người cộng tác cung cấp;

Chỉ công khai chứng cứ, thông tin do người cộng tác cung cấp khi đã chuyển chúng vào một nguồn phản ánh khác.

Trong quá trình khai thác sự cộng tác còn phải chú ý: sử dụng người cộng tác là “con dao hai lưỡi”. Hiệu quả và sự an toàn trong khai thác sự cộng tác phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, động cơ của người cộng tác. Trong nhiều trường hợp, sự cộng tác chỉ đơn thuần là vì lợi ích nhằm giảm thiểu trách nhiệm vật chất do hậu quả pháp lý mà người cộng tác phải gánh chịu. Rất có thể khi có “nguồn bù đắp” với những lợi ích lớn hơn, người cộng tác có thể “phản bội” Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, có những trường hợp lợi dụng sự “bảo vệ” của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh để thực hiện những hành vi phạm pháp luật. Để tránh những mặt tiêu cực này, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh luôn chú ý:

 

Chỉ lựa chọn cộng tác với những người Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có đủ cơ sở để ràng buộc họ về trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý;

Thường xuyên đánh giá hiệu quả và tác dụng của người cộng tác trên nguyên tắc chỉ chấp nhận những thông tincó sự phù hợp với các chứng cứ khác;

Điều tra viên trực tiếp làm việc với người cộng tác luôn giữ thái độ đúng mực, thường xuyên nhắc nhở người cộng tác về trách nhiệm đồng thời nghiêm khắc trước những sai phạm của họ dù là nhỏ nhất;

Kịp thời chấm dứt cộng tác với những người lợi dụng sự cộng tác để thực hiện những hành vi phạm pháp.

Khi kết thúc điều tra, để đảm bảo quyền lợi cho người cộng tác, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh củng cố những chứng cứ chứng minh tình tiết giảm nhẹ cho họ, thống nhất trước và đề nghị Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm pháp lý cho người cộng tác.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản trong việc lựa chọn và sử dụng người cộng tác – một biểu hiện cụ thể của việc vận dụng linh hoạt các quy định về tình tiết giảm nhẹ của pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên, đây là một hoạt động không hề đơn giản cần có sự tổng kết thực tiễn để xây dựng thành tiêu chuẩn, quy trình công tác.

Biện pháp tạm giữ

Tạm giữ là một biện pháp ngăn chặn hành chính được sử dụng để hỗ trợ cho công tác điều tra vụ việc cạnh tranh. Khai thác, sử dụng có hiệu quả biện pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra. Tuy nhiên, biện phápNày tác động trực tiếp đến quyền công dân. Vì vậy, để áp dụng cần phải nắm chắc các quy định pháp luật có liên quan.

Việc tạm giữ người, tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính được quy định tại các Điều 122, 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Việc đề xuất và đề nghị áp dụng biện pháp này tương tự như biện pháp khám xét. Thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người, tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính áp dụng tương tự với quyết định khám xét.

Điều 122. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.

Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

 

 

Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính.

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;

Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.

Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều này để xem xét ra quyết định tạm giữ; đối với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì người tạm giữ phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng

 

 

hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ

            Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

            Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến.

            Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.

            Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.

            Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì có thể bị tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Việc tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời gian chờ ra quyết định không làm ảnh hưởng quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức đó.

            Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

            Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

            Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

            Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.

            Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ